07:39 29/05/2013

Nỗi lo Trung Đông đẩy giá dầu vọt tăng

Thanh Hải

Các bộ trưởng bộ ngoại giao Liên minh châu Âu nhất trí không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí cho phe nổi dậy Syria

Những diễn biến mới nhất về tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi,
 gây ra những lo lắng về nguồn cung trong bối cảnh lượng cầu đang suy 
giảm hiện nay.
Những diễn biến mới nhất về tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, gây ra những lo lắng về nguồn cung trong bối cảnh lượng cầu đang suy giảm hiện nay.
Phiên giao dịch quốc tế đêm 28/5, giá dầu thô giao sau tăng mạnh lên trên vùng 95 USD/thùng nhờ đà đi lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu, cùng những lo lắng về tình hình chính trị Trung Đông và Bắc Phi.

Ngay sau khi mở cửa lại (phiên 27/5, thị trường đóng cửa nghỉ lễ), giá dầu đã liên tục biến động mạnh bởi có quá nhiều yếu tố hỗ trợ trong hai ngày đầu tuần. Trước hết là việc các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu, về việc tiếp tục các chính sách thúc đẩy tăng trưởng.

Những diễn biến mới nhất về tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, gây ra những lo lắng về nguồn cung trong bối cảnh lượng cầu đang suy giảm hiện nay, cũng góp phần nâng đỡ tốt cho thị trường. Theo AFP, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria, sau những cuộc thảo luận đầy bất đồng giữa các nước thành viên.

Cụ thể, theo hãng tin AFP, hôm 28/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh William Hague cho biết, các bộ trưởng bộ ngoại giao Liên minh châu Âu đã nhất trí không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí cho phe nổi dậy Syria vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/6 tới đây, trong khi vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào chính quyền của Tổng thống nước này là Bashar al-Assad.

Bộ trưởng Hague coi đây là thông điệp rõ ràng nhằm gây áp lực lên Chính phủ Syria. Thỏa thuận này cho phép các thành viên Liên minh châu Âu được gửi vũ khí cho các tay súng đối lập nếu muốn, sau ngày 1/6 tới đây.

Ngoài tin tức liên quan tới tình hình chiến sự tại Syria, thị trường cũng nhận được tin cho biết tại Nigeria, một tàu chiếc chở dầu ở ngoài khơi bờ biển quốc gia này đã bị bọn cướp tấn công và bắt cóc làm con tin. Những thông tin này đã khiến nhà đầu tư năng lượng lo ngại về tính ổn định trong việc cung ứng dầu từ khu vực nhiều dầu mỏ Trung Đông và Bắc Phi.

Bên cạnh tình hình chính trị quốc tế, chứng khoán toàn cầu, thị trường năng lượng hôm qua còn nhận được lực đẩy từ các báo cáo cho biết nền kinh tế Mỹ đang hồi phục vững chắc. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 5, do tổ chức Conference Board công bố, đã tăng mạnh lên 76,2 điểm cao nhất trong 5 năm, từ mức 69 điểm trong tháng 4 trước đó.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/5, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 7 trên sàn hàng hóa New York tăng 86 cent, tương ứng 0,9%, lên 95,01 USD/thùng. Trong suốt phiên giao dịch, giá dầu thô kỳ hạn loại này luôn dao động gần ngưỡng 96 USD mỗi thùng. Tại London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 7 tăng 1,61 USD, tương ứng 1,6%, lên 104,23 USD.

Cũng trên sàn giao dịch hàng hóa New York đêm 28/5, giá khí tự nhiên giao tháng 6 giảm 6 cent, tương ứng 1,5%, xuống còn 4,17 USD/ triệu BTU. Giá xăng giao cùng kỳ hạn tăng nhẹ được 1 cent, tương ứng với mức 0,5%, lên 2,85 USD mỗi gallon. Giá dầu sưởi cũng giao trong tháng 6 tăng mạnh 5 cent, tương ứng với mức 1,7%, lên chốt ở 2,91 USD mỗi gallon.

Theo giới phân tích, hiện thị trường đang theo dõi sát sao quyết định về mục tiêu sản lượng của các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Dự kiến những mục tiêu này sẽ được đưa ra trong cuộc họp vào ngày thứ 6 tuần này tại Vienna (Áo).