11:00 12/03/2021

Nối tiếp Basel III, TPBank tiếp tục đi đầu áp dụng ILAAP

Thùy Linh

Nối tiếp thành công trong việc ứng dụng Basel III, TPBank tiếp tục trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công chuẩn mực ILAAP của ECB trong hoạt động quản lý rủi ro thanh khoản

Hướng đến thực hành tiên tiến nhất, TPBank đã lựa chọn xây dựng hệ thống quản trị rủi ro thanh khoản theo chuẩn mực ILAAP của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Hướng đến thực hành tiên tiến nhất, TPBank đã lựa chọn xây dựng hệ thống quản trị rủi ro thanh khoản theo chuẩn mực ILAAP của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Nối tiếp thành công trong việc ứng dụng Basel III, TPBank tiếp tục trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công chuẩn mực ILAAP của ECB trong hoạt động quản lý rủi ro thanh khoản.

Hướng tới mục tiêu quản trị rủi ro toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã tiếp tục xây dựng chuẩn mực "Đánh giá nội bộ về an toàn thanh khoản theo quy định của Ngân hàng Trung ương Châu Âu" (ILAAP), và trở thành ngân hàng đầu tiên chính thức áp dụng chuẩn mực này ngay trong những ngày đầu năm 2021.

Năm 2019, TPBank đã tập trung hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên trên thị trường tuân thủ sớm ba trụ cột của Basel II. Đồng thời, TPBank cũng đã sớm ứng dụng Basel III trong công tác quản trị rủi ro thanh khoản thông qua việc thực hiện tính toán tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR), tỷ lệ dự trữ thanh khoản (LCR) từ năm 2015.

Với mục tiêu hoàn thiện nền tảng quản trị vững mạnh, TPBank xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trung và dài hạn là nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro thanh khoản theo hướng tinh gọn, chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và bám sát các chuẩn mực quản trị quốc tế.

Hướng đến thực hành tiên tiến nhất, TPBank đã lựa chọn xây dựng hệ thống quản trị rủi ro thanh khoản theo chuẩn mực ILAAP của Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Cụ thể, ILAAP quy định 7 tiêu chí toàn diện và nghiêm ngặt về quản trị rủi ro thanh khoản, liên quan tới các nội dung: Trách nhiệm của ban lãnh đạo; Cơ cấu tổ chức và vai trò của các đơn vị nghiệp vụ; Hệ thống văn bản quản trị; Đánh giá tác động của các loại rủi ro trọng yếu lên thanh khoản; Mức độ thận trọng tối thiểu của các kịch bản căng thẳng thanh khoản; Chất lượng xây dựng và kiểm định mô hình.

CHUẨN MỰC TIÊN TIẾN, HIỆU QUẢ THỰC TIỄN

Cam kết của ban lãnh đạo TPBank về quản trị rủi ro thanh khoản theo ILAAP đã được cụ thể hóa bằng việc phê duyệt và ban hành "Tuyên bố an toàn thanh khoản" (LAS). Tuyên bố đưa ra đánh giá về mức độ an toàn thanh khoản trong năm của ngân hàng, cũng như dự báo tình hình thanh khoản cho các năm tiếp theo, dựa trên dự báo kinh tế vĩ mô và chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong tương lai. Việc ban hành LAS hàng năm là yêu cầu trọng yếu của ILAAP do tính định hướng của văn bản này đối với hoạt động quản lý thanh khoản chung của ngân hàng.

Nhằm hỗ trợ ban lãnh đạo phê duyệt, ban hành LAS một cách chính xác và kịp thời, TPBank đã cải tiến, kiện toàn sâu rộng hệ thống báo cáo, xây dựng kế hoạch và kiểm tra sức chịu đựng theo yêu cầu của ILAAP. Theo đó, bộ chỉ tiêu an toàn thanh khoản của TPBank không chỉ có các chỉ tiêu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mà đã tích hợp cả các chỉ tiêu tiên tiến theo thông lệ quốc tế. Kế hoạch thanh khoản và nguồn vốn đã được xây dựng chi tiết theo kỳ hạn và sản phẩm cho 3 năm tiếp theo. 

Đặc biệt, việc kiểm tra sức chịu đựng (stress test) thanh khoản đã được thực hiện cho cả quãng thời gian ngắn hạn và dài hạn. Các giả định sử dụng trong kế hoạch thanh khoản, kế hoạch nguồn vốn và stress test thanh khoản theo ILAAP đều có tính liên kết chặt chẽ với nghiệp vụ "Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn" theo Thông tư 13 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo tính nhất quán trong hoạt động quản trị rủi ro và tuân thủ của TPBank.

Việc thực hiện stress test theo ILAAP đã làm tăng mạnh lượng tài sản thanh khoản cao TPBank cần nắm giữ, do ILAAP yêu cầu ngân hàng phải tính toán tác động thanh khoản của tất cả các rủi ro trọng yếu theo nguyên tắc thận trọng. Do vậy, bên cạnh các rủi ro trọng yếu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng phải ước tính thận trọng tác động thanh khoản của các rủi ro trọng yếu nội bộ như: rủi ro pháp lý, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng. Đây vốn là các loại rủi ro khó định lượng hơn, nhưng có thể gây tác động nghiêm trọng đến thanh khoản nếu xảy ra.

Mặc dù vậy, kết quả stress test theo ILAAP cho thấy lượng tài sản có tính thanh khoản cao TPBank hiện có vẫn cao hơn giá trị yêu cầu trong kịch bản căng thẳng nhất, thể hiện TPBank có đầy đủ khả năng đảm bảo các nghĩa vụ tài chính trong mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, các chỉ tiêu thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước, cũng như các chỉ tiêu cam kết với các đối tác quốc tế, đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả này góp phần xây dựng vững chắc niềm tin của khách hàng, đối tác và cơ quan quản lý, cũng như khẳng định vị thế của TPBank là một trong những ngân hàng TMCP an toàn và tăng trưởng bền vững nhất thị trường.

Ngoài ra, một yêu cầu của ILAAP chưa có tiền lệ tại Việt Nam mà TPBank đã đi đầu thực hiện, đó là yêu cầu đánh giá và lượng hóa xác suất đổ vỡ (reverse stress test). Theo đó, ngân hàng cần xây dựng các kịch bản tài chính khiến cho ngân hàng không thể tiếp tục hoạt động bình thường, và tính toán xác suất các kịch bản này có thể xảy ra. Theo thực hành tiên tiến của các ngân hàng lớn tại châu Âu, trong trường hợp xác suất xảy ra các kịch bản đổ vỡ lớn hơn mức "phi thực tế", ngân hàng cần phải đánh giá lại tính thận trọng của kịch bản stress test đang áp dụng.

Ứng dụng lợi thế sẵn có về Big data và AI, TPBank đã xây dựng nhiều kịch bản reverse stress test khác nhau, với từng kịch bản dựa trên tần suất và giá trị tổn thất khi xảy ra của từng rủi ro trọng yếu. Kết quả tính toán cho thấy xác suất xảy ra của các kịch bản reverse stress test đều nằm dưới ngưỡng "phi thực tế", một lần nữa thể hiện mức độ an toàn vượt trội của TPBank trên thị trường.

Chia sẻ về việc TPBank triển khai ILAAP, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào phát biểu: "Cải thiện hệ thống quản trị rủi ro sẽ giúp nâng cao sức mạnh và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Chúng tôi hoan nghênh quyết định chiến lược của TPBank tự nguyện áp dụng một quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đối mặt và đánh giá mức độ an toàn thanh khoản để nâng cao khả năng chống chịu - một nỗ lực rất kịp thời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang đe dọa khả năng thanh khoản của các ngành kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Áp dụng quy trình quản trị rủi ro thanh khoản sẽ giúp TPBank củng cố sự ổn định, nâng cao niềm tin của các các cổ đông và khách hàng và duy trì sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn."

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, khẳng định dự án ILAAP chỉ là một phần trong chiến lược xây dựng, cải tiến hệ thống quản trị của TPBank theo chuẩn mực quốc tế. TPBank hiện đang gấp rút triển khai nhiều dự án như IFRS9, Basel II phương pháp nâng cao, Basel III cho tất cả các loại rủi ro… đồng thời thực hiện quyết liệt chiến lược đổi mới số toàn hàng, khẳng định vị trí ngân hàng số hàng đầu Việt Nam. Mặc dù vậy, việc tuân thủ ILAAP là bước đệm quan trọng của TPBank trên hành trình xây dựng, phát triển hệ thống quản trị ngân hàng theo các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới, cũng như khẳng định vị thế của TPBank là 1 trong những ngân hàng có năng lực quản trị và nền tảng công nghệ hàng đầu Việt Nam.