06:00 18/05/2022

Nơm nớp lo rủi ro: Ngành quế phát triển “nóng”

Chu Khôi

Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng quế, với 41.000 tấn mỗi năm. Giá quế xuất khẩu của Việt Nam cao nhất so với các nước đối thủ trồng quế. Tuy nhiên, diện tích trồng quế tăng quá nhanh những năm qua, đang khiến nhiều nông dân trồng quế và doanh nghiệp xuất khẩu quế lo ngại rằng trong tương lai có thể rủi ro nếu cung vượt cầu.

Qué xuất khẩu cho giá trị cao.
Qué xuất khẩu cho giá trị cao.

Nhận định tại hội thảo “Định hướng phát triển quế bền vững” do Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) phối hợp với Hiệp hội Thụy Sĩ vì sự hợp tác quốc tế tại Việt Nam (Helvetas) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tổ chức ngày 11/5 tại Yên Bái, các đại biểu cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua cho thấy ngành quế nước ta đang phát triển quá “nóng”.

SẢN LƯỢNG QUẾ ĐỨNG THỨ BA THẾ GIỚI, GIÁ XUẤT KHẨU CAO NHẤT

Nhận định về thị trường ngành quế, ông Viên Kim Cương - Chuyên gia của Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT), cho biết tổng sản lượng quế toàn cầu hàng năm vào khoảng 242.000 tấn, tổng thương mại xuất khẩu 154.000 tấn, tiêu dùng nội địa 87.000 tấn.

 

Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Srilanka là 4 quốc gia sản xuất quế lớn nhất thế giới, trong đó Indonesia đạt sản lượng 89.000 tấn, Trung Quốc 82.000 tấn, Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng quế với 41.000 tấn, Srilanka đạt 24.000 tấn. Về thị trường tiêu thụ, 3 quốc gia nhập khẩu quế nhiều nhất thế giới là Ấn Độ với gần 32.000 tấn mỗi năm; Hoa Kỳ hơn 28.000 tấn và Đức nhập hơn 20.000 tấn.

Về giá quế, ông Cương thông tin, năm 2021, giá quế xuất khẩu bình quân của Việt Nam khoảng 4 USD/kg, đây là mức giá cao nhất trong các quốc gia trồng quế chủ lực, cao hơn khi so sánh với Trung Quốc, Indonesia, và Srilanka. Đức cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm quế, với giá bán bình quân lên tới 7 USD/kg, nhưng nước này chủ yếu nhập khẩu quế thô nguyên liệu đem chế biến rồi tái xuất khẩu, nên giá quế xuất khẩu của Đức cao hơn nước ta bởi đó là giá sản phẩm đã chế biến sâu. Trong khi quế xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu xuất thô.

Giải thích lý do khiến giá quế xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm qua và vượt qua các đối thủ, ông Cương cho biết trước đây, quế Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ.

Từ năm 2012, một số dự án từ châu Âu đã vào hỗ trợ ngành quế Việt Nam, trong đó điển hình là dự án Thương mại sinh học vùng (BioTrade) được tài trợ bởi Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ - SECO và được thực hiện bởi HELVETAS Việt Nam và Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED).  Nhờ đó nhiều sản phẩm quế Việt Nam được cấp các chứng nhận hữu cơ, chứng nhận bền vững quốc tế. 

Cùng với hỗ trợ về quảng bá thương mại quế, thị trường châu Âu đã biết đến quế Việt Nam, từ đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu thẳng quế vào châu Âu thay vì xuất sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Giới tiêu dùng và các doanh nghiệp đối tác thương mại tại châu Âu nhanh chóng nhận ra rằng sản phẩm quế từ Việt Nam đạt chất lượng vượt trội hơn so với quế từ Trung Quốc và Indonesia nên trả giá mua quế Việt Nam cao hơn.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THEO HƯỚNG HỮU CƠ

Theo ông Cương, trong giai đoạn 2000-2010, giá quế xuống thấp, khiến nhiều nông dân ở Indonesia đã chặt bỏ cây quế, chuyển sang trồng cây khác, dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu khiến giá quế ngày càng tăng, nhất là từ năm 2016 đến nay.

Tuy nhiên, do giá bán liên tục tăng cao dẫn đến việc phát triển trồng quế ồ ạt tại Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua cho thấy ngành quế đang phát triển rất “nóng” tại nước ta.

“Trong ngắn hạn, nhu cầu về quế tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung toàn cầu, hiện ước tính từ 8-12%. Dự báo giá quế sẽ tiếp tục cao trong vài năm tới. Nhưng về lâu dài, nếu nhiều người dân Indonesia quay trở lại trồng quế, thì nguy cơ giá sẽ giảm”, ông Cương cảnh báo.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái chia sẻ, trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, cây quế được xác định là loài cây lâm nghiệp chủ lực, mũi nhọn.

 

"Một thực tế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế là công tác quản lý chất lượng cây giống, tình trạng sâu bệnh đối với cây quế đã xảy ra. Nhiều hộ trồng quế đã khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác trắng cả diện tích quế còn non, chặt cây, tỉa cành không khoa học, tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và chất lượng các sản phẩm từ quế".

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái.

Tính đến thời điểm hiện tại, Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất cả nước, tập trung tại huyện Văn Yên 45,2 nghìn ha (chiếm 56,3% diện tích quế toàn tỉnh) và huyện Trấn Yên 19 nghìn ha (chiếm 23,6%). Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với tổng công suất 1.000 tấn/năm.

Ngoài ra, có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, chủ yếu hoạt động theo phương pháp thủ công, công suất khoảng 200 tấn/năm.

Ông Nguyễn Thái Bình cho biết thêm, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị. Cụ thể, đối với dự án quy mô từ 1.000 ha trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng/1 dự án.

 “Giá trị thu nhập từ cây quế trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm hơn 50% giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp tỉnh Yên Bái”, ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái thông tin, đồng thời cho biết tỉnh cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, giữ diện tích rừng trồng quế 80.000 ha, trong đó, thúc đẩy đưa 40.000 ha sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ và 8.000 – 10.000 ha được cấp chứng nhận quế hữu cơ.

Cùng với đó, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, tập trung vào việc xây dựng kế hoạch khai thác một cách hợp lý, hiệu quả. Tỉnh Yên Bái đang tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Yên Bái thâm nhập vào các thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

 
Bà Sibylle Bachmann, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Thụy Sĩ, Phó trưởng cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ tại Việt Nam
Bà Sibylle Bachmann, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Thụy Sĩ, Phó trưởng cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ tại Việt Nam

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững đóng vai trò rất quan trọng để các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam như quế có thể thâm nhập thị trường toàn cầu. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo ra sinh kế bền vững hơn và tạo thêm việc làm cho cộng đồng người địa phương. Điều này hoàn toàn phù hợp với Chương trình hợp tác và phát triển kinh tế Thụy Sĩ, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững toàn diện.

 
 
Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty Vinasamex
Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty Vinasamex

Sản phẩm quế, hồi của Vinasamex đã đạt được chứng chỉ Fairtrade – chứng nhận quốc tế về thương mại công bằng, khách hàng có lợi ích, người làm ra sản phẩm có lợi ích. Cùng với đó là chứng nhận Organic giúp Vinasamex dễ dàng đưa hàng vào EU – thị trường vốn khó tính nhất thế giới.

Dù đại dịch Covid bùng phát mạnh, nhưng Vinasamex may mắn không bị ảnh hưởng nhiều như các ngành dịch vụ, du lịch. Kết thúc năm 2021, Công ty vẫn cán đích mục tiêu đề ra, doanh thu tăng gần 60% so với năm 2020. Sản phẩm quế, hồi có lợi thế trong đại dịch, vì giúp tạo ra hệ miễn dịch tốt hơn cho con người, nên đối tác nhập khẩu bán được nhiều và tăng mua hàng của Vinasamex. Nhờ đó, doanh nghiệp vẫn trụ vững sau 2 năm đại dịch bủa vây. Trong 2 năm qua, Vinasamex không những không để cho bất cứ nhân viên nào của mình phải nghỉ việc, mà ngược lại, còn tạo thêm hàng trăm việc làm mới cho người dân địa phương.

 

Ông Viên Kim Cương, Chuyên gia của Dự án Great

Diện tích quế hữu cơ tại Việt Nam đã bắt đầu phát triển nhưng còn rất ít, hiện mới chiếm dưới 5% trong tổng diện tích quế của Việt Nam. Thách thức là do chưa hiểu rõ thị trường đầu cuối và năng lực chế biến, phát triển sản phẩm ở cấp độ doanh nghiệp nói chung yếu. Trong khi đó, thị trường Trung Đông bắt đầu thu hẹp do thị phần Việt Nam tương đối lớn.

Ngành quế có thể ổn định trong ngắn hạn với giá bán sản phẩm cao, nhưng có rủi ro trong dài hạn khi diện tích và sản lượng trồng quế vượt qua nhu cầu. Để ngành quế Việt Nam phát triển bền vững, cần tập trung sản xuất nguyên liệu có giá trị cao (có chứng nhận, theo chuẩn kỹ thuật quốc tế), cần nâng cao chất lượng, đảm bảo ổn định để đáp ứng yêu cầu về kiểm soát chuỗi cung ứng, nâng cao sản lượng xuất khẩu đi EU, Bắc Mỹ.