11:14 06/01/2009

Nóng bỏng cuộc chiến khí đốt Nga - Ukraine

Trung Việt

Cuộc chiến khí đốt Nga - Ukraine vẫn chưa có lối thoát, sau khi các cuộc thương lượng giữa hai bên thất bại

Đồng hồ đo áp chỉ về mức 0 tại một trạm trung chuyển khí đốt gần thủ đô Kiev của Ukraine. Cùng với nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt với Ukraine, Nga đang tìm kiếm các "đường đi" mới để xuất khẩu năng lượng mà không bị tác động bởi những tranh cãi chính trị của các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước kia - Ảnh: Reuters.
Đồng hồ đo áp chỉ về mức 0 tại một trạm trung chuyển khí đốt gần thủ đô Kiev của Ukraine. Cùng với nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt với Ukraine, Nga đang tìm kiếm các "đường đi" mới để xuất khẩu năng lượng mà không bị tác động bởi những tranh cãi chính trị của các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước kia - Ảnh: Reuters.
Cuộc chiến khí đốt Nga - Ukraine vẫn chưa có lối thoát, sau khi các cuộc thương lượng giữa hai bên thất bại.

Châu Âu đang lo ngại cuộc chiến kể trên lặp lại kịch bản năm 2006, khiến họ lại rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông này.

Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine đã lên đến đỉnh điểm vào đúng ngày đầu tiên của năm mới 2009, khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngừng cung ứng khí đốt cho Ukraine, đồng nghĩa với việc khoảng 90 tỷ mét khối khí đốt bị cắt hoàn toàn.

Nga tiếp tục tăng giá bán khí đốt cho Ukraine

Cuộc chiến này đã manh nha từ cách đây vài tuần, khi Gazprom đưa ra lời cảnh báo sẽ ngừng cấp khí đốt cho Ukraine, nếu hai bên không ký được hợp đồng mới cho năm 2009 và nếu nước này không thanh toán hết toàn bộ khoản nợ của năm 2008 là hơn 2 tỷ USD.

Trong đó có 805,8 triệu USD của tháng 11, hơn 862 triệu USD của tháng 12 và 450 triệu USD tiền phạt do trả nợ chậm.
 
Quan hệ Nga và Ukraine chung quanh vấn đề khí đốt đã căng thẳng trong mấy ngày qua, khi hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau. Gazprom tố cáo Ukraine "ăn cắp" khí đốt mà Nga cung cấp cho các khách hàng ở châu Âu từ các đường ống chạy qua Ukraine. Phó chủ tịch Gazprom hôm 4/1 khẳng định: từ ngày 31/12/2008, Ukraine từ chối đàm phán với Gazprom và đã tìm cách rút bớt lượng khí đốt mà Nga bán cho châu Âu, vi phạm trách nhiệm của một nước trung chuyển.

Ngày 4/1, Gazprom tuyên bố sẽ tăng giá khí đốt bán cho Ukraine lên tới 450 USD/1.000 mét khối, thay vì các mức giá mà họ đưa ra trước đó, lần lượt là 250 và 418 USD. Đồng thời, Gazprom đã thông báo họ quyết định phát đơn kiện tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogaz của Ukraine. Theo đó đề nghị tòa án trọng tài ở Stockholm (Thuỵ Điển) gây áp lực, buộc Naftogaz không được rút bớt lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới tại thủ đô Kiev ngày 3/1, ông B.Sokolovsky, đại diện của Tổng thống Ukraine về vấn đề an ninh năng lượng tuyên bố: "Nếu Nga không cung cấp khí đốt cho các nước EU nhiều hơn mức hiện tại, thì trong khoảng 10 ngày tới sẽ nảy sinh những vấn đề kỹ thuật hết sức nghiêm trọng. Hoạt động quá cảnh khí đốt có thể bị gián đoạn”.

Phía Ukraine cho biết mức giá họ có thể chấp nhận được là 201 USD/1.000 m3 khí đốt.

Châu Âu lo ngại, nhưng không đứng ra hoà giải

Trong động thái được coi là thiện chí, tập đoàn Gazprom của Nga vừa đề nghị phía Ukraine nối lại các cuộc đàm phán về khí đốt. Cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine đã gây lo ngại cho nhiều nước châu Âu vốn phụ thuộc nguồn cung năng lượng của Nga.

Theo thông báo của 4 nước Đông Âu (gồm Bungari, Ba Lan, Rumani và Hunggari), những quốc gia phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, kể từ ngày 1/1 khi Nga ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt cho Ukraine, nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu đi qua lãnh thổ Ukraine đã giảm 30%.

Rumani cho biết, thông thường nước này nhập khẩu khoảng 10 triệu mét khối khí/ngày, nhưng từ ngày 2/1 các nguồn cung cấp này chỉ đáp ứng được khoảng 7 triệu mét khối khí/ngày. Trước đó, Ba Lan cũng thông báo nguồn cung khí đốt từ Nga qua Ukraine tới nước này bị giảm 11%.

EU hiện rất quan tâm, lo ngại cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine và tuyên bố, trọng tâm cuộc họp thường kỳ giữa mùa Đông của khối này (dự kiến vào cuối tuần này) sẽ là việc vận chuyển khí đốt tới các nước thành viên EU.

Theo đó, EU sẽ yêu cầu các bên tôn trọng hợp đồng vận chuyển và cung cấp khí đốt cho châu Âu. EU cũng thúc giục Nga-Ukraine sớm đạt được một thỏa thuận về khí đốt. Tuy nhiên, châu Âu khẳng định, họ không có ý định can dự hoặc làm nhà trung gian hòa giải cho cuộc tranh cãi khí đốt giữa Nga và Ukraine.

Cùng với nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt với Ukraine, Nga đang tìm kiếm các "đường đi" mới để xuất khẩu năng lượng mà không bị tác động bởi những tranh cãi chính trị của các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước kia. Kể từ khi Nga cắt toàn bộ nguồn cung năng lượng cho Ukraine ngày 1/1, các quan chức Nga đã nhiều lần thảo luận về kế hoạch tăng nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu qua các đường ống khác, như đường ống qua lãnh thổ Belarus.

Nga còn đặt hy vọng vào hai dự án khác là các tuyến đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" và "Dòng chảy phương Bắc". Theo các chuyên gia thuộc công ty đầu tư Troika Dialog của Nga,  dự án "Dòng chảy phương Bắc" sẽ dài 1.198 km chạy dưới biển Ban tích, cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở Đức và Hà Lan.

Dự án "Dòng chảy phương Nam" dài 900 km, trị giá 15 tỷ USD, từ Nga chạy  qua Biển Đen cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở Bungari, Italy và Áo.