Nửa đầu 2016: Chứng khoán Mỹ khởi sắc, châu Á giảm sâu
Trên thị trường chứng khoán châu Á, nửa đầu năm 2016 là khoảng thời gian u ám của thị trường nhiều nước trong khu vực
Phiên giao dịch cuối cùng của quý 2/2016, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục tăng điểm, lợi suất trái phiếu chính phủ nhiều nước phát triển giảm xuống mức thấp kỷ lục, theo Reuters và Wall Street Journal đưa tin.
Nhà đầu tư kỳ vọng hậu Brexit, nhiều ngân hàng trung ương lớn của thế giới sẽ chuẩn bị đưa ra các gói kích thích kinh tế và Ngân hàng Trung ương Anh chuẩn bị đưa ra chương trình mua trái phiếu trong mùa hè này.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 235,31 điểm tương đương 1,33% lên mức 17.929,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,09 điểm tương đương 1,36% lên 2.098,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 63,43 điểm tương đương 1,33% lên mức 4.842,67 điểm.
Trong quý 2/2016, chỉ số Dow Jones tăng 1,38%, chỉ số S&P 500 giảm 0,56%, chỉ số Nasdaq tăng 1,89%. Từ đầu năm đến hiện tại, chỉ số S&P 500 tăng 1,86%.
Trên thị trường châu Âu phiên cuối cùng của tháng 6/2016, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán Anh tăng 144,27 điểm tương đương 2,27% lên mức 6.504,33 điểm. Chỉ số CAC 40 của thị trường chứng khoán Pháp lên được 1%. Chỉ số Euro Stoxx 500 tăng 1,15%.
Tính cả quý 2/2016, chỉ số FTSE 100 vẫn tăng được 5,33%. Chỉ số CAC 40 giảm 3,37%. Chỉ số Euro Stoxx 500 giảm 4,67%. Trong năm nay, chỉ số này đã mất 12,87% giá trị.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, nửa đầu năm 2016 là khoảng thời gian u ám của thị trường nhiều nước trong khu vực.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật giảm 18,2%, chỉ số Shanghai Composte của thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 17,2%. Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hồng Kông giảm 5,1%.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật giảm 18,2%, chỉ số Shanghai Composte của thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 17,2%. Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hồng Kông giảm 5,1%.
Cùng lúc đó, nhà đầu tư châu Á đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Nhật và đồng Yên. Dòng tiền vào mạnh khiến đồng Yên đã tăng giá đến 14,8% trong nửa đầu năm 2016.
Số liệu về khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán châu Á cho thấy nhà đầu tư đang không mấy mặn mà với cổ phiếu châu Á. Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trên thị trường chứng khoán Hồng Kông trong tháng 6/2016 là 62 tỷ cổ phiếu, giảm 19% so với khối lượng giao dịch trung bình chính trên sàn này trong 12 tháng qua. Khối lượng giao dịch trung bình trên sàn chứng khoán Trung Quốc tháng 6/2016 giảm 26%.
Kết quả nghiên cứu tương tự cũng được bộ phận nghiên cứu của Citigroup đưa ra. Citigroup cho biết giá trị mua ròng tại các sàn chứng khoán Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan, Thái Lan ở mức khá thấp trong năm nay.
Trên thị trường Nhật, tần suất bán ròng đã giảm đi trong tháng 5 và tháng 6/2016 thế nhưng tổng giá trị cổ phiếu bán ròng trên thị trường Nhật nửa đầu năm 2016 vẫn lên đến 40 tỷ USD, theo công bố mới nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.