20:50 10/09/2023

Nước ngoài bán ròng gần 2.500 tỷ qua khớp lệnh, xả toàn nhóm vốn hóa lớn

Kiều Trang

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 1.401 tỷ đồng trên HOSE tuần qua. Tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 1.916 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 1.305 tỷ đồng, trong đó 2.436 tỷ đồng được thực hiện qua khớp lệnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

VN-Index đóng cửa tuần trước tại 1.241,48 điểm, tăng 17,43 điểm tương đương 1,42% so với tuần trước với thanh khoản duy trì cải thiện. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp tăng điểm, nhưng mức tăng về chỉ số thấp hơn đáng kể so với tuần trước nghỉ lễ 2/9 (40,68 điểm tương đương +3,44%).

Giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 26.835 tỷ đồng (chỉ tính khớp lệnh), tăng +23,6% so với mức bình quân phiên của tuần trước, +14,3% so với trung bình 5 tuần và +28,4% so với trung bình 10 tuần. Thanh khoản hiện thấp hơn khoảng 8% so với mức bình quân giai đoạn Vn-Index đạt đỉnh (29.111 tỷ đồng/phiên).

Thị trường tăng mạnh về thanh khoản so với tuần trước nhưng đà tăng về chỉ số yếu đi khi các cổ phiếu vốn hóa lớn thiếu lực cầu và chịu ảnh hưởng bởi áp lực bán ròng của khối ngoại.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.305 tỷ đồng trên HOSE, trong đó 2.436 tỷ đồng được thực hiện qua khớp lệnh. Top cổ phiếu mua ròng tuần này của khối ngoại đáng chú ý có VPB (826 tỷ đồng) được thực hiện chủ yếu qua giao dịch thỏa thuận, VNM, GMD, VIX, TPB, MWG . Trong đó, VNM và GMD là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều tuần liên tiếp qua khớp lệnh.

Top bán ròng tuần này của nước ngoài là chứng chỉ quỹ FUEVFVND và các cổ phiếu chủ yếu thuộc nhóm vốn hóa lớn (HPG, SSI, VIC, MSN, STB) và vốn hóa vừa (VHC, KBC, HDG, DXG, POW, VND).

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 1.401 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 1.916 tỷ đồng. Mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong tuần đáng chú ý có VHM (540,5 tỷ đồng), đối ứng với bán ròng của Tự doanh. Ngoài ra, danh mục mua ròng của cá nhân tập trung vào nhóm cổ phiếu mà nước ngoài bán ròng, bao gồm VIC, HPG, SSI, HDG, VHC.

Top bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành ngân hàng (VPB, HDB, MBB) và nhóm tiêu dùng (VNM, MWG, VJC).

Tổ chức trong nước bán ròng 651,3 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh, họ mua ròng 93,3 tỷ đồng. Top mua ròng của Tổ chức trong nước bao gồm chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VJC, HPG, STB, EIB, VCG. Trong khi đó, top bán ròng là VHM, TPB, HDG, PNJ, KDH.

Tự doanh mua ròng 555,6 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh nhóm này mua ròng 426,9 tỷ đồng.  Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh trong tuần là chứng chỉ quỹ (FUEVFVND, E1VFVN30, FUESSVFL) và một số cổ phiếu vốn hóa lớn (VHM, STB, MWG, VRE, MSN).

Top cổ phiếu mà Tự doanh bán ròng thuộc nhóm vốn hóa lớn, bao gồm ACB, VIB, NLG, PNJ, FBT, CTG, GMD.

Nước ngoài bán ròng gần 2.500 tỷ qua khớp lệnh, xả toàn nhóm vốn hóa lớn - Ảnh 1

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền giảm ở ngành Chứng khoán và Bán lẻ sau khi duy trì ở vùng đỉnh trong 1-2 tuần trước. Đà tăng giá ở hai nhóm cổ phiếu này theo đó cũng hạ nhiệt. Ngược lại, tỷ trọng phân bổ dòng tiền gia tăng ở nhóm Thép, cho thấy dòng tiền vào cổ phiếu Thép cải thiện so với tuần trước, hỗ trợ giá tiếp tục xu hướng đi lên.

Tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào vốn hóa lớn VN30, giảm ở nhóm vốn hóa vừa VNMID, duy trì ở nhóm vốn hóa nhỏ VNSML.

Tỉ trọng giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa lớn VN30 đạt 39,6%, hồi phục từ mức đáy 5 tuần trong tuần 34 (37,1%), tuy nhiên chỉ số giá tăng thấp hơn so với VNINDEX (+1,18% vs. +1,42%) do hoạt động bán ròng của khối ngoại và áp lực bán chủ động gia tăng.

Trong khi đó, tỷ trọng giá trị giao dịch kém đi ở nhóm vốn hóa vừa VNMID, đạt 43,7%, và duy trì ở nhóm vốn hóa nhỏ VNSML (9,9%), tuy nhiên chỉ số giá tiếp đà tăng mạnh nhờ lực mua chủ động ở nhiều cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ như Giấy, Dầu khí, Hóa chất, Phân bón, Xây lắp điện, Thép, Cao su.