14:25 07/04/2010

Ồ ạt bán tháo trái phiếu Chính phủ Hy Lạp

Mai Phương

Giới đầu tư quốc tế ngày 6/4 đã ồ ạt tháo chạy khỏi trái phiếu chính phủ do Hy Lạp phát hành

Hy Lạp đang nhích dần tới bờ vực phá sản - Ảnh: Getty.
Hy Lạp đang nhích dần tới bờ vực phá sản - Ảnh: Getty.
Giới đầu tư quốc tế ngày 6/4 đã ồ ạt tháo chạy khỏi trái phiếu chính phủ do Hy Lạp phát hành, khiến lãi suất vay vốn mà quốc gia đang điêu đứng vì nợ nần này phải trả để vay mới tăng vọt. Trong khi vẫn chưa thấy Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chìa tay ra cho Hy Lạp.

Theo thông tin trên tờ New York Times, đến tháng 5 này, Hy Lạp sẽ phải huy động thêm được 11,6 tỷ Euro, tương đương 15,5 tỷ USD, để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và thanh toán những khoản nợ cũ. Tuy nhiên, việc giá trái phiếu Hy Lạp đang sụt giảm và đẩy lợi suất tăng cao sẽ buộc Athens phải đưa ra mức lãi suất cao hơn để thu hút các nhà đầu tư mua nợ của họ trong những đợt phát hành sắp tới.

Những tháng gần đây, lo ngại về khả năng vỡ nợ cấp quốc gia của Hy Lạp đã khiến thị trường toàn cầu nhiều phen toát mồ hôi hột, buộc các nhà lãnh đạo châu Âu và IMF lên kế hoạch hỗ trợ cho Hy Lạp trong trường hợp đất nước này không còn khả năng huy động vốn từ thị trường trái phiếu.

Được công bố hôm 25/3, kế hoạch trên đã như một liều thuốc thần, nhanh chóng trấn an thị trường. Tuy nhiên, chi tiết của bản kế hoạch, cũng như quy mô của gói giải cứu, và vai trò cụ thể của IMF vẫn còn là những thông tin vô cùng mờ mịt. Tới thời điểm này, giới đầu tư đã bắt đầu tỏ rõ thái độ thiếu tin tưởng vào khả năng EU và IMF phối hợp với nhau để đưa Hy Lạp thoát khỏi gọng kìm khủng hoảng.

“EU chưa tiến đủ xa để đạt tới một cơ chế hỗ trợ cho Hy Lạp”, ông Eric Fine, một nhà quản lý danh mục thị trường mới nổi thuộc công ty đầu tư Van Eck Global có trụ sở tại New York, phát biểu trên New York Times.

Làn sóng bán tháo trái phiếu Hy Lạp hôm 6/4 một phần là do một số bài báo đưa tin rằng Hy Lạp đang tìm cách điều chỉnh lại một số điều khoản trong kế hoạch giải cứu mà EU và IMF dành cho họ. Tuy nhiên, sau đó, những thông tin này đã bị phía Hy Lạp phủ nhận.

Bà Filio Lanara, một phát ngôn viên thuộc Bộ Tài chính Hy Lạp, tuyên bố, nước này “chưa có hành động nào nhằm thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận về cơ chế hỗ trợ”. Tuy nhiên, theo bà Lanara, Hy Lạp cũng “không tìm cách để kích hoạt cơ chế này”.

Theo lịch, ngày 7/4, các quan chức của IMF sẽ tới Athens để thảo luận với Chính phủ Hy Lạp về những biện pháp thắt chặt chi tiêu công và tìm cách tăng thu ngân sách từ thuế.

Trong phiên giao dịch ngày 6/4, lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp có lúc tăng vượt mức 7%, cao nhất từ tháng 1/2010 tới nay. Tại phiên đấu giá trái phiếu Hy Lạp gần đây nhất vào ngày 29/3, khi Athens huy động được 6,7 tỷ USD, mức lợi suất là 5,9%.

Phiên đấu giá khi đó được Hy Lạp tiến hành nhằm mục đích cho thấy niềm tin của giới đầu tư vào nước này đã trở lại. Tuy nhiên, hiệu ứng thực tế là ngược lại vì nhu cầu của giới đầu tư nước ngoài rất thấp. Các ngân hàng trong nước của Hy Lạp đã buộc phải mua vào phần lớn số trái phiếu được Chính phủ chào bán.

“Càng lúc càng khó tin việc Hy Lạp có khả năng tự huy động được vốn”, ông Michael Conelius, nhà quản lý danh mục tại công ty T. Rowe Price ở Baltimore, nhận định với New York Times.

Theo giới phân tích, khi Hy Lạp phát hành trái phiếu vào tháng 5 tới, mức lợi suất mà họ phải trả nhiều khả năng cao hơn mức 5,9%.

Trước thời điểm kết thúc năm 2010, Hy Lạp cần huy động hơn 40 tỷ USD, do đó mức lãi suất tăng thêm 1%, thì số tiền lãi mà nước này phải trả sẽ đội thêm 400 triệu USD mỗi năm. Điều này sẽ khiến thâm hụt ngân sách của quốc gia này trở nên tồi tệ hơn và sẽ buộc Athens phải thắt lưng buộc bụng nhiều hơn nữa.

“Nếu không có một hướng giải quyết cụ thể, Hy Lạp sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn, trong đó chi phí vay vốn tăng lên khiến các khoản nợ càng trở nên thiếu bền vững. Kết thúc của cuộc chơi sẽ là một chương trình cứu trợ từ IMF và điều đó đang đến mỗi lúc một gần”, chuyên gia kinh tế trưởng của UniCredit, ông Marco Annunziata, nhận định.

Nếu xảy ra, đó sẽ là một kết cục khiến Hy Lạp - một trong số 16 quốc gia sử dụng đồng Euro - bẽ mặt. Tuy nhiên, đáng lo hơn cả, nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp đang đẩy tỷ giá Euro lao dốc.

Thời gian qua, Athens đổ lỗi cho giới đầu cơ tiền tệ đã khiến cho cuộc khủng hoảng của họ thêm căng thẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư dài hạn đang mất niềm tin vào Hy Lạp và tin rằng IMF sẽ phải vào cuộc.