12:19 17/04/2019

Ô nhiễm không khí: làm gì để bảo vệ hệ hô hấp?

Hoài Phương

Với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 trung bình 32,9 µg/m3, Việt Nam nằm gần cuối nhóm "quốc gia có chất lượng không khí trung bình" trên thế giới, cách nhóm "gây nguy hiểm cho người nhạy cảm" chỉ một chút.


Bụi siêu vi PM2.5 là các hạt trong không khí có kích thước từ 2,5 micron trở xuống. PM2.5 gây nguy hiểm đến sức khỏe con người vì có thể dễ dàng xâm nhập sâu vào cơ thể thông qua hệ hô hấp. Ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20% ở trẻ em. Với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30%, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm tỷ lệ PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.Ô nhiễm không khí đặc biệt có hại cho những người đã mắc bệnh phổi như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Người già, trẻ em và trẻ nhũ nhi đang phát triển là những người có nguy cơ cao bị những tác dụng độc hại do tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Nếu bạn có một tình trạng hô hấp mãn tính hoặc là người cao tuổi, bạn có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, thí dụ như tử vong sớm do bệnh phổi hoặc bệnh tim. Nếu bạn có đường hô hấp nhạy cảm, tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể gây ra cơn hen suyễn và gây thở khò khè, ho và dị ứng đường hô hấp. Người khỏe mạnh làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời cũng rất dễ bị các tác dụng phụ của ô nhiễm không khí, đặc biệt là khi có nồng độ ôzôn mặt đất cao.
Ô nhiễm không khí: làm gì để bảo vệ hệ hô hấp? - Ảnh 1.
Vào những ngày nhiều khói bụi, khẩu trang thường không có hiệu quả chống ô nhiễm không khí, trừ khi chúng ôm khít quanh mũi và miệng. Khẩu trang y tế giá rẻ hoặc những "rào chắn" tạm thời như khăn tay ít có khả năng bảo vệ, bởi các chất ô nhiễm không khí có thể dễ dàng lọt qua mép của khẩu trang khi bạn hít vào.Do đó, để bảo vệ hệ hô hấp, chúng ta nên cố gắng không đi bộ hoặc tập thể dục dọc theo những đường phố đông đúc để tránh khỏi không khí ô nhiễm thải ra từ các phương tiện giao thông. Vào mùa hè, mức độ ô nhiễm không khí thường cao hơn vào những ngày nắng nóng. Vì vậy, cố gắng tránh các hoạt động ngoài trời hoặc chỉ tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thường thấp hơn. Vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí cao, nơi tốt nhất cho sức khỏe là ở trong nhà với một chiếc điều hòa không khí được trang bị bộ lọc, hoặc một máy lọc không khí. Nếu nhà ở cạnh đường, bạn không nên mở cửa sổ thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm.
Ô nhiễm không khí: làm gì để bảo vệ hệ hô hấp? - Ảnh 2.
Nếu cần đi xe máy, bạn nên tìm mua khẩu trang chuyên dụng. Không giống như khẩu trang thông thường, các loại khẩu trang chuyên dụng được cấu tạo từ nhiều lớp bông đặc biệt, cùng với than hoạt tính đan xen lẫn nhau nhằm giữ không cho bụi mịn đi qua. Chú ý nên chọn mua các loại khẩu trang đạt chuẩn N95, N99 (lọc 95%, 99% vi khuẩn bụi bẩn theo tiêu chuẩn Mỹ), có kiểu dáng ôm kín, sát mặt, không cho không khí lọt qua khe cằm vào mũi. Tuy vậy, những loại khẩu trang tốt, tái sử dụng được nhiều lần như nhập khẩu có giá lên tới 700 - 800 nghìn đồng/chiếc.Xịt mũi thường xuyên cũng góp phần phòng tránh các bệnh lý về đường hô hấp. Để vệ sinh mũi, bạn có thể áp dụng công thức 1-2-3, gồm: xịt sạch mũi mỗi ngày, hai lần vào buổi sáng và tối, ba lần vào mỗi bên mũi. Xịt mũi sau khi đánh răng xong vào buổi sáng vì lúc này nhiệt độ giảm thấp, độ ẩm cao hơn dễ gây kích ứng, ứ đọng dịch tiết, sổ mũi.... Xịt mũi vào buổi tối giúp làm sạch bụi sau ngày dài tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Bạn có thể xịt ba lần vào mỗi bên mũi để đưa lượng nước đủ thấm vào ngóc ngách trong mũi, tống được tác nhân gây bệnh ứ đọng trong ngách mũi.
Ô nhiễm không khí: làm gì để bảo vệ hệ hô hấp? - Ảnh 3.
Uống nhiều nước cũng giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh ứ đọng bụi bẩn, vi khuẩn. Trẻ từ 10 tuổi trở lên và người lớn nên uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày; khoảng 1 lít nước cho trẻ trên một tuổi mỗi ngày.