Ông Biden cảnh báo Nga về “một thảm hoạ” nếu tấn công Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/1 nói ông cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hạ lệnh tấn công quân sự Ukraine, đồng thời cảnh báo về “một thảm hoạ” chờ Nga nếu điều đó xảy ra...
Phát biểu trên của ông Biden được đưa ra sau khi các cơ quan tình báo Mỹ nhận định một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine có thể xảy ra trong vòng 1 tháng tới đây. “Tôi đoán là ông ta sẽ đưa quân vào Ukraine. Ông ta sẽ làm việc gì đó”, người đứng đầu Nhà Trắng phát biểu khi được hỏi về khoảng hơn 100.000 binh sỹ Nga đang tập trung gần biên giới giữa nước này với Ukraine.
“Sẽ có một thảm hoạ cho nước Nga nếu họ tấn công Ukraine. Các đồng minh và đối tác của chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để áp một cái giá nghiêm trọng lên Nga và nền kinh tế Nga”, ông Biden nói trong cuộc họp báo do một mình ông chủ trì lần thứ hai kể từ khi nhậm chức Tổng thống.
“Tôi nghĩ rằng họ sẽ phải hối tiếc vì việc đó”, ông Biden nói về khả năng Nga tấn công Ukraine.
Sau đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã làm rõ thêm các câu trả lời mà ông Biden đưa ra về vấn đề Nga-Ukraine.
“Tổng thống Biden đã làm rõ với Tổng thống Nga: nếu có bất kỳ lực lượng quân sự nào của Nga vượt qua biên giới để vào Ukraine, thì đó là hành động tấn công, và hành động đó sẽ gặp phải sự đáp trả nhanh chóng, quyết liệt và nhất quán từ Mỹ và các nước đồng minh của chúng tôi”, bà Psaki nói. “Từ kinh nghiệm lâu năm, Tổng thống Biden cũng biết rằng Nga có rất nhiều chiêu thức gây hấn mà không dùng đến hành động quân sự, bao gồm tấn công mạng và các chiến thuật bán quân sự. Ngày hôm nay, Tổng thống xác nhận rằng những hành động gây hấn đó của Nga sẽ gặp phải sự đáp trả quyết đoán, có đi có lại và nhất quán”.
Trong suốt mấy tháng qua, các nước phương Tây đã dõi theo việc Nga triển khai lực lượng và trang thiết bị quân sự ở mức độ chưa từng thấy tại khu vực biên giới giữa nước này với Ukraine. Sự triển khai quân này làm sống lại những ký ức về việc Nga sáp nhập Crimea, bán đảo trên Biển Đen ly khai khỏi Ukraine hồi năm 2014. Vụ sáp nhập đó đã dẫn tới một loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây áp lên Nga, đồng thời khiến Nga bị loại khỏi nhóm G8, “câu lạc bộ” 8 nền kinh tế lớn của thế giới.
Đến nay, điện Kremlin vẫn nói rằng việc đưa quân đến gần biên giới với Ukraine chỉ là tập trận, đồng thời phủ nhận những đánh giá cho rằng Nga đang chuẩn bị tấn công Ukriane. Nhưng cùng với đó, Moscow tiếp tục kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ chối nỗ lực xin gia nhập liên minh quân sự này của Ukraine.
Tuần trước, giới chức Nga nhắc lại với NATO và quan chức Mỹ rằng Moscow cần được đảm bảo “Ukraine không, không bao giờ trở thành một thành viên NATO”.
“Chúng tôi cần sự đảm bảo bọc thép, chống đạn, chống nước và có sự ràng buộc luật pháp. Chúng tôi không cần những lời trấn an hay hứa hẹn”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu trước báo giới hôm 10/1.
Từ năm 2002, Ukraine đã nỗ lực xin gia nhập NATO – tổ chức có Điều 5 trong hiến chương quy định rằng tấn công vào một thành viên NATO đồng nghĩa với tấn công cả khối này.
Chính quyền ông Biden cùng với các nước khác trong NATO vẫn giữ quan điểm rằng họ không thể chấp nhận một đề nghị như vậy từ phía Nga.
Khi được hỏi về tạo một mặt trận thống nhất để đối trọng với Nga, ông Biden bác bỏ những đánh giá cho rằng Washington và các đồng minh châu Âu không thể nhất trí về một gói biện pháp trừng phạt nếu Moscow tấn công Ukraine.
“Ông ta chưa bao giờ được thấy những biện pháp trừng phạt giống như tôi cam kết”, ông Biden nói về ông Putin, và nhấn mạnh thêm Moscow sẽ “ngay lập tức phải trả giá đắt, trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”.
Những phát biểu trên của ông Biden được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rời Kyiv sau các cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Ngoại trưởng nước này Dmytro Kuleba. Khi ở Kyiv, ông Blinken đã nỗ trực trấn an giới chức Ukraine về sự ủng hộ và cam kết của Mỹ đối với nước này.
“Chính người Ukraine chứ không phải ai khác sẽ quyết định tương lai của họ và tương lai của đất nước này”, ông Blinken phát biểu trước cuộc họp kín với Tổng thống Zelenskyy.
Cuối tuần này, ông Blinken sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Geneva.