4 điều Nga muốn trong khủng hoảng Ukraine
Có 4 điều mà Moscow muốn nhận được sự nhượng bộ từ phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, bao gồm một đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO...
Trong tuần vừa rồi, Nga đã có ba cuộc đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraine.
Đầu tiên là cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Nga và Mỹ ở Geneva. Tiếp đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp phái đoàn Nga ở Brussels. Cuối cùng, Tổ chức An ninh và hợp tác châu ÂU (OSCE) có cuộc gặp với các quan chức Nga ở Vienna.
Nhưng cả ba cuộc họp này đều không mang lại kết quả mang tính đột phá nào nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Nga hiện đang tập trung khoảng 100.000 quân gần biên giới giữa nước này với Ukraine, dẫn tới những cảnh báo của phương Tây về khả năng Nga tấn công quân sự quốc gia láng giềng. Giới phân tích thì xem việc lực lượng của Nga áp sát biên giới Ukraine như một nỗ lực nhằm gây áp lực buộc Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu phải đưa ra những nhượng bộ về an ninh.
Theo trang NPR, có 4 điều mà Moscow muốn nhận được sự nhượng bộ từ phương Tây trong cuộc khủng hoảng này.
NGA MUỐN CÓ SỰ ĐẢM BẢO RẰNG UKRAINE SẼ KHÔNG BAO GIỜ GIA NHẬP ĐƯỢC NATO
Yêu cầu chính của phía Nga là một cam kết từ NATO rằng khối này chấm dứt sự mở rộng về phía các nước Liên Xô cũ, đặc biệt là Ukraine. Nga muốn NATO rút lại một lời hứa đưa ra hồi năm 2008 rằng Ukraine có thể một ngày nào đó trở thành thành viên của liên minh quân sự này.
Nhiều nhà quan sát cho rằng khó có khả năng Ukraine gia nhập được NATO, vì nước này không đáp ứng được các tiêu chuẩn cho địa vị thành viên của khối. Nhưng Nga lại không cho là như vậy. “Chúng tôi chẳng tin bên nào cả”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, người đứng đầu phái đoàn Nga, phát biểu sau cuộc đàm phán với Mỹ hôm thứ Hai tuần trước. “Chúng tôi cần sự đảm bảo chắc chắn, có sự ràng buộc về mặt luật pháp, chứ không phải là những lời trấn an hay xoa dịu”, ông Ryabkov nói.
Lý lẽ của Nga: Tổng thống Nga Vladimir Putin xem Ukraine là phần mở rộng của điều mà ông gọi là “nước Nga trong lịch sử”, bởi quốc gia này từng là một phần của Đế chế Nga và Liên Xô, và vẫn nằm trong “trường ảnh hưởng” của nước Nga ngày nay. Nguy cơ Ukraine dịch chuyển hướng Tây sau một cuộc cách mạng đường phố khiến chính phủ thân Nga ở Kiev bị lật đổ vào năm 2014 đã dẫn tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine trong năm đó.
Việc Ukraine muốn gia nhập NATO cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới việc Nga ủng hộ lực lượng ly khai ở vùng Donbas thuộc miền Đông Ukraine. Bất ổn ở miền Đông sẽ khiến Ukraine không đáp ứng được tiêu chuẩn để trở thành một thành viên NATO.
Lập luận của NATO: Mỹ cho rằng các quốc gia có quyền lựa chọn liên minh cho mình và NATO luôn có “chính sách mở cửa” cho các nước có tiềm năng gia nhập. “NATO không bao giờ mở rộng bằng vũ lực, cưỡng ép hay lật đổ. Việc đến với NATO và đề nghị gia nhập là lựa chọn chủ quyền của mỗi quốc gia”, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Wendy Sherman phát biểu hôm thứ Tư sau cuộc đàm phán Nga-NATO ở Brussels. Theo một số cuộc thăm dò dư luận, hành động của Nga khiến ý tưởng gia nhập NATO trở nên có sức thuyết phục hơn đối với cử tri Ukraine. Tuy nhiên, khó có khả năng Ukraine sớm đáp ứng được các tiêu chuẩn gia nhập tổ chức.
NGA MUỐN NATO RÚT LỰC LƯỢNG KHỎI ĐÔNG ÂU
Dự thảo đề xuất an ninh mà Nga gửi cho các cường quốc phương Tây vào tháng 12 vừa qua muốn NATO không triển khai quân và vũ khí ở các nước vùng Trung và Đông Âu đã gia nhập liên minh này sau năm 1997. Về mặt thực tế, hành động như vậy sẽ “hạ cấp” địa vị thành viên của các nước Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Cộng hoà Czech, Slovakia, Hungary, Romania, Slovenia, Croatia, Montenegro, Albania, Bắc Macedonia và Bulgaria xuống chỉ còn là thành viên trên danh nghĩa của liên minh.
Lý lẽ của Nga: Moscow xem việc NATO từ năm 1997 kết nạp các nước Đông Âu và Trung Âu là một vi phạm lời hứa chủ chốt của Mỹ khi quân đội Liên Xô rút khỏi Đông Âu sau sự sụp đổ của bức tường Berlin. Theo quan điểm của ông Putin, phương Tây đã lợi dụng thế yếu của Nga khi mở rộng NATO bất chấp phản đối của Moscow. Giờ đây, ông đang hành động như thể Nga ở vào vị trí người đặt ra những điều khoản mới, và viết lại câu chuyện về sự kết thúc của chiến tranh lạnh.
Lập luận của NATO: Giới chức Mỹ đã nói rõ rằng Nga biết yêu cầu này là phi thực tế. Nếu NATO chấp nhận yêu cầu của Nga, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc vẽ lại bản đồ châu Âu sau chiến tranh lạnh và đặt các yêu cầu an ninh của Nga lên trên những mối lo của cả một khu vực của châu Âu vốn nằm dưới tầm ảnh hưởng của Liên Xô trước kia. Giới chức phương Tây cũng phản đối ý tưởng NATO cam kết không mở rộng và cho rằng chính hành động của Nga đã buộc NATO phải tăng cường triển khai lực lượng tại các quốc gia thành viên.
“NATO trước đây không bao giờ có bất kỳ lực lượng nào ở rìa phía Đông của khối, vì chúng tôi không cảm thấy ự cần thiết phải có lực lượng ở gần Nga, cho tới khi Nga can thiệp vào Ukraine vào năm 2014 và khiến các nước NATO phải lo lắng về việc Nga có thể tiến về phía lãnh thổ NATO”, Thứ trưởng Bộ Ngoai giao Mỹ Victoria Nuland phát biểu hôm thứ Tư.
NGA MUỐN CẤM TÊN LỬA NATO TRONG TẦM TẤN CÔNG
Nga nói nước này muốn có một lệnh cấm về tên lửa tầm trung ở châu Âu. Về căn bản, điều này đồng nghĩa với thiết lập lại một hiệp ước thời chiến tranh lạnh mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ hồi năm 2019 trên cơ sở cáo buộc Nga liên tục vi phạm. Sau khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền, Nga nhận thấy có cơ hội đưa hiệp ước này trở lại. Điện Kremlin tuyên bố muốn gắn quy trình kiểm soát vũ khí với những mối lo về sự mở rộng của NATO. “Chúng tôi có đặt tên lửa của chúng tôi gần biên giới Mỹ không? Không hề. Nhưng tên lửa của Mỹ thì lại đang nằm ngay ở cửa ngõ của chúng tôi”, ông Putin lập luận trước các nhà báo phương Tây trong một cuộc họp báo hồi tháng 12.
Lý lẽ của Nga: Dù Ukraine có thể còn lâu nữa mới gia nhập được NATO, Nga vẫn cảm thấy lo lắng vì NATO đã chứng tỏ rằng khối này có thể dính líu sâu hơn vào Ukraine thông qua cung cấp vũ khí và đào tạo mà chưa cần tới việc Ukraine là một thành viên của khối. Ông Putin không hề giấu giếm gì, mà nói thẳng ra rằng ông đã hình dung về một ngày không xa khi tên lửa của NATO có thể đặt trên lãnh thổ Ukraine, chỉ cách Nga vài phút tấn công. “Đó là một thách thức lớn đối với an ninh của chúng tôi”, ông nói.
Lập luận của NATO: Đây có thể là một lĩnh vực mà hai bên có thể thương lượng. Một số nghị sỹ Dân chủ của Mỹ đã phản đối việc chính quyền ông Trump từ bỏ Hiệp ước Lực lượng tên lửa tầm trung (INF) với Nga.
NGA MUỐN TỰ TRỊ CHO MIỀN ĐÔNG UKRAINE
Nga nói Ukraine phải thực thi các nghĩa vụ trong thoả thuận hồi năm 2015 về chấp dứt giao tranh giữa quân đội nước này với lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine – xung đột đã khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng. Trên thực tế, thoả thuận hoà bình có tên thoả thuận Minsk này đã rơi vào ngưng trệ. Nếu được thực thi, thoả thuận này mang đến thêm quyền tự trị cho các vùng nói tiếng Nga ở Donbas.
Lý lẽ của Nga: Moscow từ lâu tin rằng Mỹ “giật dây” Kyiv, trong khi Mỹ ủng hộ thoả thuận Minsk như một hướng đi để xuống thang căng thẳng. Ngoài ra, đối với Moscow, thoả thuận này cũng là một cách để đảm bảo quyền và lợi ích cho người nói tiếng Nga ở Donbas, đồng thời mang lại đòn bẩy cho điện Kremlin trong các vấn đề của Ukraine trong tương lai.
Lập luận của NATO: Mỹ ủng hộ thoả thuận Minsk. Kyiv không mấy hứng thú với thoả thuận này. NATO cho rằng thoả thuận như đã ký mang lại lợi ích cho Nga thông qua việc khuấy đảo xung đột ở miền Đông Ukraine – cáo buộc mà Nga phủ nhận. Cả Kyiv và Washington đều cho rằng Moscow không thực thi đầy đủ các nghĩa vụ trong thoả thuận này.