Ông Biden đề xuất gói hạ tầng hơn 2 nghìn tỷ USD, sức ép tăng thuế ngày một lớn
“Đây là một chương trình đầu tư ‘trăm năm có một’ ở Mỹ, không giống như bất kỳ thứ gì chúng ta từng chứng kiến hay làm”, ông Biden nói
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/3 đề xuất một gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD, kêu gọi sử dụng sức mạnh của Chính phủ để định hình lại nền kinh tế lớn nhất thế giới và đương đầu với sự nổi lên của Trung Quốc.
Theo tin từ Reuters, kế hoạch của ông Biden sẽ mở ra những dự án lớn cho các doanh nghiệp Mỹ tham gia, tạo thêm hàng triệu công việc trên những công trình từ đường xá đến chống biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện những dịch vụ dân sinh như nhà trẻ và viện dưỡng lão.
"Đây là một chương trình đầu tư ‘trăm năm có một’ ở Mỹ, không giống như bất kỳ thứ gì chúng ta từng chứng kiến hay làm", ông Biden phát biểu từ Pittsburgh. "Kế hoạch lớn, đúng vậy. Kế hoạch táo bạo, đúng vậy. Và chúng ta có thể làm được".
Đây là dự luật "nghìn tỷ" thứ hai của ông Biden chỉ trong vòng hơn 2 tháng ông bắt đầu cầm quyền, nhằm trợ lực cho nền kinh tế bị "vùi dập" bởi đại dịch Covid-19. Kế hoạch cũng bao gồm mục tiêu dài hạn về củng cố sức mạnh cho các tổ chức công đoàn và nâng cao "sức đề kháng" của Mỹ với biến đổi khí hậu.
Gói hạ tầng mà ông Biden đưa ra mới là phần 1 của chiến lược, và trong tháng 4, ông sẽ công bố phần 2 trị giá khoảng 2 nghìn tỷ USD nữa.
Gói kích cầu đầu tiên của ông Biden có trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, đã được hai viện Quốc hội Mỹ mới đây và đang được triển khai.
Tất cả những kế hoạch này sẽ trao cho Chính phủ liên bang một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế Mỹ, so với ở bất kỳ một thời điểm nào khác trong nhiều thế hệ trở lại đây. Chi tiêu công sẽ đóng góp ít nhất 20% trong tổng sản lượng kinh tế hàng năm của nước này. Đây được xem là cách tốt nhất để Mỹ ứng phó với sức cạnh tranh ngày càng lớn của Trung Quốc - theo các quan chức trong chính quyền ông Biden.
Kế hoạch mới nhất đã mở ra cuộc xung đột tiếp theo giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các nghị sỹ Cộng hòa và một số nghị sỹ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cho rằng quy mô của kế hoạch là quá lớn so với mức cần thiết.
"Nếu phải tăng mạnh thuế và phải tăng thêm hàng nghìn tỷ USD nợ quốc gia, thì kế hoạch không thể được chấp nhận", nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, phát biểu.
Cho tới thời điểm này, ông Biden chưa đề cập đến việc tăng thuế đánh vào người giàu như ông đã hứa khi tranh cử tổng thống. Kế hoạch mà ông vừa đưa ra không bao gồm tăng thuế thu nhập cao hay thuế gia tăng vốn. Thay vào đó, ông đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%.
Mang tên "Build Back Better" (tạm dịch: "Xây lại tốt hơn"), kế hoạch của ông Biden sẽ kéo dài trong 8 năm và sẽ được chi trả trong hơn 15 năm, không làm gia tăng nợ quốc gia trong dài hạn - một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ cho hay.
Giới doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối kế hoạch. "Chúng tôi phản đối mạnh việc tăng thuế mà chính quyền đề xuất, vì tăng thuế như vậy sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế và làm Mỹ giảm sức cạnh tranh trên toàn cầu, hoàn toàn trái ngược với mục tiêu của kế hoạch hạ tầng", Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ Neil Bradley phát biểu.
Gói hạ tầng của ông Biden bao gồm 621 tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Mỹ, gồm đường xá, cầu cống, cảng biển, sân bay; 174 tỷ USD đầu tư vào thị trường ô tô điện để phát triển mạng lưới trạm xạc xe; 400 tỷ USD đầu tư vào các cơ sở chăm sóc người già và người tàn tật; 213 tỷ USD phát triển mạng lưới điện, Internet tốc độ cao và cấp nước.
Phần hai của kế hoạch, dự kiến công bố sau vài tuần nữa, có thể bao gồm mở rộng bảo hiểm y tế, tăng phúc lợi cho người lao động có con nhỏ, phải nghỉ ốm hoặc nghỉ việc gia đình, cùng những nỗ lực khác nhằm hỗ trợ các gia đình.