Ông Putin: “Mỹ dùng thuế quan để kiềm chế Trung Quốc”
Ông Putin cho rằng có sự tương đồng giữa thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga
Thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc là nhằm mục đích kiềm chế sự nổi lên về kinh tế của nước này - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định ngày 20/6.
Trong cuộc giao lưu trực tuyến thường niên với người dân Nga, ông Putin nói thuế quan mà Mỹ sử dụng đối với Trung Quốc - cũng như lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Nga vì việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 - đều nhằm mục đích kiềm chế Bắc Kinh và Moscow.
Người đứng đầu điện Kremlin nói thêm rằng các biện pháp hạn chế mà Mỹ đặt ra đối với hãng công nghệ Trung Quốc Huawei mới đây cũng nhằm làm suy yếu nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
"Họ (Mỹ) muốn gì? Họ muốn kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc, tương tự như đối với Nga. Và điều này sẽ tiếp tục xảy ra", ông Putin nói trên sóng truyền hình trực tiếp.
"Bởi vậy nếu chúng ta muốn có một chỗ đứng nhất định trên thế giới này, chúng ta cần phải mạnh, nhất là về kinh tế", nhà lãnh đạo nhấn mạnh.
Ông Putin cho rằng có sự tương đồng giữa thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
"Các bạn có thể gọi thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc là lệnh trừng phạt. Thuế quan và lệnh trừng phạt cũng giống nhau mà thôi", ông nói.
Những phát biểu này của ông Putin được đưa ra khi Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn nữa, trong bối cảnh hai nước cùng có một đối thủ kinh tế chung là Mỹ. Trong khi nền kinh tế Nga chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Washington, thì Trung Quốc cũng phải đương đầu với một cuộc chiến căng thẳng với Mỹ.
Đây là cuộc đối thoại trực tuyến lần thứ 17 của ông Putin với người dân Nga. Trong các cuộc đối thoại được tổ chức hàng năm này, vị Tổng thống nhận và trả lời các câu hỏi của người dân thông qua một đường dây nóng.
Các câu hỏi được đặt ra với ông Putin trong cuộc đối thoại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y tế, việc làm, tới nhà ở và thu gom rác. Cuộc đối thoại năm nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng cuộc sống có chiều hướng đi xuống của người dân Nga.
Do sức ép từ lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea và vai trò của Moscow trong xung đột ở miền Đông Ukraine, nền kinh tế Nga tăng trưởng yếu trong những năm gần đây. Theo dự báo hồi tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Nga có thể chỉ đạt mức tăng 1,2% trong 2019.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects), WB nói rằng "chính sách tiền tệ chặt hơn, kết hợp với đợt tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) vào đầu 2019, góp phần làm suy yếu động lực tăng trưởng của kinh tế Nga trong thời gian còn lại của 2019".