Ông Tập Cận Bình: “Trung Quốc không được tự mãn”
Ông Tập Cận Bình phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sáng 20/3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh
Phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sáng 20/3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không được tự mãn về sự phát triển của mình.
Theo tin từ BBC, ông Tập nói Trung Quốc đang ở vào một giai đoạn phát triển quan trọng trong lịch sử và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đưa nước này vượt qua thách thức.
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay đánh dấu một loạt thay đổi lớn, bao gồm sửa đổi Hiến pháp nhằm bỏ quy định giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước. Động thái này mở đường cho ông Tập Cận Bình cầm quyền qua năm 2023.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội Trung Quốc cũng thông qua kế hoạch cải tổ Chính phủ, bao gồm thành lập một loạt bộ mới và sáp nhập nhiều cơ quan giám sát. Nhiều nhân sự cấp cao mới cũng được bổ nhiệm trong kỳ họp này, gồm tân Phó thủ tướng Lưu Hạc và tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương.
Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn lớn cho Trung Quốc, tái khẳng định mục tiêu nâng tầm vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế và tiếp tục có "những đóng góp to lớn vào văn minh nhân loại".
"Lịch sử đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giúp được Trung Quốc", ông Tập nói.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nói rằng ông đã chứng kiến "những người hùng thực sự" của Trung Quốc, và hứa rằng ông và các nhà lãnh đạo của nước này "phải gắng sức vì lợi ích của nhân dân".
Ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết của đoàn kết dân tộc đối với phát triển thịnh vượng. Nhắc tới Đài Loan, ông nói Bắc Kinh sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực giành độc lập nào của vùng lãnh thổ này.
"Nhân dân Trung Quốc có chung một niềm tin rằng không bao giờ được phép và tuyệt đối không thể chia tách bất kỳ một phân lãnh thổ nào của tổ quốc vĩ đại khỏi Trung Quốc", ông nói.
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay phê chuẩn nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch nước, đồng thời đưa tư tưởng chính trị của ông vào Hiến pháp. Như vậy, ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên kể từ Mao Trạch Đông có tư tưởng chính trị được đưa vào điều lệ đảng và hiến pháp nước này trong lúc đang cầm quyền.
Ngoài ra, kỳ họp cũng phê chuẩn việc thành lập một "siêu" cơ quan chống tham nhũng mới được nêu trong Hiến pháp.