Ông Trump đòi FED hạ lãi suất về âm, giới chuyên gia chê “bất khả thi”
Ông Trump kêu gọi FED hạ lãi suất về 0 hoặc âm, đồng thời gọi các quan chức FED là “những gã đần”
Tổng thống Donald Trump ngày 11/9 tiếp tục cuộc tấn công bằng lời nói của ông nhằm vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kêu gọi ngân hàng trung ương này hạ lãi suất về 0 hoặc thậm chí về ngưỡng âm.
Trong hai dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter, ông Trump gọi các quan chức FED là "những gã đần".
"FED nên hạ lãi suất về 0 hoặc thấp hơn, và khi đó chúng ta nên bắt đầu đảo nợ. Tiền trả lãi nợ vay có thể giảm xuống nhiều, và kỳ hạn vay sẽ kéo dài hơn", ông Trump viết. "Chẳng có lạm phát gì cả! Thật là ngây thơ khi (Chủ tịch FED) Jerome Powell và FED không cho phép chúng ta làm điều mà các quốc gia khác đều đang làm. Chỉ vì những gã đần mà chúng ta đang đánh mất đi cơ hội cả đời mới có một lần".
Theo hãng in CNBC, trong những dòng tweet này, ông Trump đề cập đến nợ quốc gia của Mỹ, điều mà ông chưa từng nói đến trong những lần công kích FED trước đây. Nợ quốc gia của Mỹ hiện đã lên tới 22,5 nghìn tỷ USD, tăng 2,6 nghìn tỷ USD, tương đương mức tăng 13%, kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, chủ yếu do chương trình cắt giảm thuế quy mô khổng lồ được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối năm 2017.
Trong tài khóa 2019 này, Chính phủ Mỹ dự kiến phải chi kỷ lục 538,6 tỷ USD tiền thuế của dân để trả lãi nợ vay.
Ý tưởng "đảo" nợ liên bang mà ông Trump nêu ra là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
"Đó là một việc không khả thi và có thể gây ra vấn đề lớn cho nhà đầu tư, thị trường tài chính, và toàn bộ nền kinh tế", chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói về ý tưởng của ông Trump. "Nợ trái phiếu không thể trả sớm. Đó là mối quan hệ có hợp đồng mà Bộ Tài chính Mỹ có với các nhà đầu tư, là trái phiếu kho bạc chứ không phải nợ thế chấp nhà".
Về lời kêu gọi FED hạ lãi suất về 0 hoặc âm, ông Zandi cho rằng sẽ không có nhiều lợi ích từ biện pháp như vậy. "Câu hỏi mà bạn phải đặt ra là, nếu chúng ta hạ lãi suất về 0, rồi suy thoái xảy ra, thì chúng ta có thể làm gì tiếp theo nữa?" ông nói.
Hiện chưa rõ ý tưởng "đảo nợ" của ông Trump có thể được thực thi như thế nào. Bộ Tài chính có lẽ phải tham gia nếu ý tưởng này được triển khai. Gần đây cũng đã xuất hiện một số lời kêu gọi Chính phủ Mỹ phát hành nợ dài hạn hơn, chẳng hạn trái phiếu kho bạc kỳ hạn 50-100 năm.
"Về phương diện lý thuyết, sẽ là tốt cho Chính phủ Mỹ nếu họ có thể kéo dài thời hạn nợ có lãi suất dưới 1%... Nhưng lợi ích đối với nền kinh tế Mỹ lại là một câu hỏi chưa có lời giải đáp", nhà phân tích Dick Bove thuộc Odeon Capital Group phát biểu.
Ngoài ra, giảm lãi suất về 0 hoặc dưới 0% sẽ khiến trái phiếu kho bạc Mỹ kém hấp dẫn hơn, vì khả năng sinh lợi suất sẽ giảm đi.
Theo dự báo, FED sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần tới. Tháng 7 vừa qua, FED có đợt hạ lãi suất đầu tiên sau 11 năm. Phố Wall cho rằng FED sẽ hạ lãi suất thêm một đợt nữa vào cuối năm nay và một đợt tiếp theo vào đầu năm 2020.
Một số quan chức FED từng tuyên bố kỳ vọng lãi suất của Mỹ hạ về gần 0 nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, phát biểu vào hôm thứ Sáu tuần trước, ông Powell cho rằng ông không nhìn thấy khả năng kinh tế Mỹ sắp suy thoái.
Lãi suất tham chiếu cho vay của đêm của FED hiện ở khoảng 2-2,25%, khiến Mỹ là nước có mức lãi suất cao nhất trong số 7 nước công nghiệp phát triển (G7).
Ông Trump luôn cho rằng việc FED nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ yếu đi và thị trường chứng khoán Mỹ không thể tăng mạnh hơn - những yếu tố có thể làm suy giảm khả năng tái cử của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Sau đợt hạ lãi suất tháng 7 của FED, ông Trump tiếp tục chỉ trích FED, cho rằng FED lẽ ra phải hạ lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn.
Tuy nhiên, trong một lần phát biểu trước báo giới ở Nhà Trắng vào tháng trước, ông Trump nói ông không muốn chứng kiến lãi suất âm ở Mỹ. Bởi vậy, lời kêu gọi FED hạ lãi suất về âm mà ông vừa đưa ra cho thấy một sự thay đổi quan điểm nhanh chóng.
Ngoài tính thiếu khả thi như phân tích ở trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng với nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng như hiện nay, việc hạ lãi suất về âm có thể gây ra những rủi ro lớn như lạm phát tăng mạnh, thậm chí mở đường cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới vì giới đầu tư sẽ trở nên bất cẩn và vay nợ tràn lan.