23:28 11/09/2021

Ông Vũ Tú Thành: Câu chuyện “tắt-bật” nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa

Ánh Tuyết

“Câu chuyện “tắt-bật” nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa, bởi đặc thù sản xuất kinh doanh, thị trường và doanh nghiệp cần sự ổn định và khả năng dễ đoán định”…

TS. Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - Asean.
TS. Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - Asean.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - Asean đã nêu ra những đề xuất tại Phiên hiến kế “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” diễn ra ngày 10/9 do VnEconomy tổ chức.

CHẬM XÂY DỰNG QUY TRÌNH SẢN XUẤT AN TOÀN, DOANH NGHIỆP SẼ CHỊU THIỆT

Trong khi Việt Nam rất thành công ở ba đợt bùng phát dịch, trước khi biến chủng Delta xuất hiện, phần còn lại của thế giới phần lớn chìm trong dịch bệnh của những biến chủng trước.

Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - Asean cho biết: "Doanh nghiệp của chúng tôi - hơn 160 tập đoàn thành viên có cơ sở sản xuất tại các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như tại khu vực ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và các nước châu Âu, đã phải nếm trải những hệ lụy vô cùng khủng khiếp".

Chính vì bị đẩy vào tình thế khó khăn đó, họ đã tính toán, đưa ra những quy trình để vẫn đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, có thể duy trì công suất lớn nhất có thể, phù hợp với tình trạng kiểm soát dịch của mỗi quốc gia.

Trong suốt năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, quy trình này đã giúp doanh nghiệp thích nghi rất tốt với điều kiện dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn phức tạp ở các quốc gia. Minh chứng là, các quốc gia đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã ghi nhận con số tăng trưởng kinh tế tương đối ấn tượng nửa đầu năm nay.

"Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy, họ không đợi đến đợt bùng phát dịch thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm, mới áp dụng quy trình sản xuất an toàn, phòng ngừa Covid, mà họ đã áp dụng từ trước đó, vào năm 2020", ông Thành nhấn mạnh. Do đó, đến khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, khả năng chống chịu của những doanh nghiệp này tốt hơn những doanh nghiệp trong nước chưa có điều kiện chuẩn bị.

Nhưng cuối cùng, những doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - Asean trong quá trình bùng phát dịch lần thứ 4, đáng lý ra vẫn hoạt động được nhưng vì họ không hoạt động đơn độc, mà phụ thuộc vào môi trường các địa phương, như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nên khi thành phố đóng cửa, chúng tôi cũng không thoát được, chịu ảnh hưởng chung.

 
Khi đưa ra một hình “ba tại chỗ”, về mặt tuyên truyền, phải hết sức thận trọng vì doanh nghiệp Việt xuất hàng đi các thị trường tiêu chuẩn cao về lao động như Mỹ, EU, nếu có những cáo buộc chúng ta sử dụng lao động cưỡng bức, thì sẽ rất căng thẳng.

Một điều đáng lưu ý, khi dịch ập đến, doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mô hình “ba tại chỗ”, nhưng thực sự không nơi nào trên thế giới cũng như các doanh nghiệp trong Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - Asean thực hiện mô hình này. Bởi việc cho công nhân, người lao động ăn ngủ tại cơ sở sản xuất, như luật của Mỹ mà nói, là lao động cưỡng bức.

Các sáng kiến khác, như mô hình “một cung đường, hai điểm đến” cũng gặp không ít khó khăn.

Rõ ràng, trước đây, thành tích chống dịch của chúng ta rất tốt. Doanh nghiệp trong nước có quãng thời gian rất dài tận dụng lợi thế để gia tăng sản xuất, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Nhưng chính điều này cũng tạo ra bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp tập trung sản xuất cho phần thiếu hụt của thế giới, do đó, không tận dụng thời gian, nguồn lực, để tập trung vào xây dựng quy trình sản xuất an toàn.

NHANH CHÓNG TÁI KHỞI ĐỘNG NỀN KINH TẾ

Để có thể tiến đến lộ trình mở cửa trở lại một cách an toàn, Chính phủ nên phân loại các doanh nghiệp theo năng lực đáp ứng tiêu chí về sản xuất an toàn, sản xuất xanh. Đồng thời, tập trung nguồn lực để hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp đang "đuối" trong bảng xếp hạng, làm sao khi mở cửa trở lại, tất cả có cùng xuất phát điểm về đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất an toàn.

Lúc đó, nền kinh tế mới vận hành một cách bình thường. Nếu bây giờ, chúng ta mở cửa, có doanh nghiệp đáp ứng tốt, doanh nghiệp không tốt, thì khó đảm bảo được tiêu chí sản xuất an toàn.

 
"Việt Nam bắt buộc phải tính đến tái mở cửa, tái hoạt động, không phải là sắp tới, mà ngay từ bây giờ và có kế hoạch rõ ràng. Câu chuyện “tắt-bật” nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa, bởi đặc thù sản xuất kinh doanh, thị trường và doanh nghiệp cần sự ổn định và khả năng dễ đoán định", ông Thành khẳng định.

Áp lực của Việt Nam rất lớn, kỳ vọng đối với Việt Nam ở các thị trường quốc tế, cụ thể là Mỹ rất lớn. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang Việt Nam cũng nhấn mạnh, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Do đó, Mỹ có lợi ích quốc gia tự thân trong việc hỗ trợ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.

Trong mùa mua sắm giáng sinh sắp tới, lượng hàng từ Việt Nam xuất sang các thị trường này dự kiến sẽ sẽ thiếu hụt so với kế hoạch ban đầu. Vì vậy, khiến cho giá cả gia tăng, tác động đến chỉ số lạm phát ở Mỹ, tác động đến an ninh kinh tế của Mỹ. Do đó, chính các doanh nghiệp Mỹ cũng kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam trong công tác chống dịch, để đảm bảo duy trì an ninh kinh tế, an ninh chuỗi cung của nền kinh tế Mỹ.

Nếu Việt Nam không đảm bảo kỳ vọng của các thị trường trọng yếu, hay không đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung đang có hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, thì Chính phủ Mỹ cũng như doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp đa quốc gia khác không thể duy ý chí mãi được. Họ không thể hỗ trợ một quốc gia, một thị trường nào đó khi không nhìn thấy hiệu quả.

Doanh nghiệp cần phải hoạt động theo mức tối thiểu, chẳng hạn công suất 50%. Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào con số 50% đó để tính toán số lượng đơn hàng, cách thức sản xuất, không lúc nào cũng phải nương theo điều kiện dịch bệnh. Khi đó, tuần này doanh nghiệp được phép hoạt động 50% công suất, tuần sau tăng lên 70%, nhưng đến khi dịch ập đến, lại cắt giảm xuống 40%.

"Tư duy “tắt-bật”, nới ra xong thắt vào, chỉ đúng dưới góc độ y tế để đáp ứng nhu cầu chống dịch. Còn dưới góc độ kinh doanh, không thể hoạt động được. Không một doanh nghiệp nào có thể sản xuất theo kiểu này", ông Thành nhấn mạnh.