OPEC tính giảm sản lượng sâu hơn, giá dầu bật tăng
Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế bởi thị trường dầu vẫn đang bị chi phối bởi nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi Trung Quốc phát tín hiệu tích cực về đàm phán thương mại với Mỹ và có tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tính giảm sâu hơn sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, giá dầu phiên này vẫn chịu áp lực giảm từ dự báo lượng dầu tồn kho của Mỹ giữ xu hướng tăng.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 12 tại thị trường London tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 59,7 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 12 chốt phiên với mức tăng 0,85 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, đạt 54,16 USD/thùng.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng OPEC và đối tác gồm Nga đang tính giảm sản lượng khai thác dầu sâu hơn tại cuộc họp tiếp theo của nhóm vào đầu tháng 12, do lo ngại về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2020.
Từ đầu năm đến nay, nhóm thường được gọi là OPEC+ này giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày để hỗ trợ giá dầu, trong bối cảnh giá "vàng đen" chịu áp lực giảm mạnh từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu trong thương chiến Mỹ-Trung. Thỏa thuận hạn chế sản lượng này sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2020 nếu không được gia hạn.
Các nhà giao dịch nói rằng khả năng OPEC giảm sản lượng giúp đẩy giá dầu lên, nhưng mức tăng bị hạn chế bởi thị trường vẫn đang bị chi phối bởi nỗi lo về nhu cầu.
Phát biểu ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng nói Washington và Bắc Kinh đã đạt bước tiến trong đàm phán thương mại và vấn đề có thể được giải quyết miễn sao hai bên tôn trọng lẫn nhau.
"Sự lạc quan trên thị trường tài chính vẫn được khuyến khích bởi những tin tốt về thương mại, nhưng tâm lý ngại rủi ro có thể đột ngột trở lại nếu đàm phán lại rơi vào bế tắc hoặc chuyển xấu", nhà phần tích Lukman Otunuga thuộc FXTM cảnh báo.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng thương chiến Mỹ-Trung và các xung đột thương mại khác trên toàn cầu có thể khiến kinh tế thế giới chỉ tăng 3% trong năm nay, mức tăng yếu nhất một thập kỷ.
Giá dầu phiên này cũng chịu áp lực bởi dự báo về sự gia tăng lượng dầu tồn kho ở Mỹ. Báo cáo hàng tuần của Viện Dầu lửa Hoa kỳ (API) nói rằng tồn kho dầu thô thương mại của nước này tăng 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18/10. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố vào ngày thứ Tư.
"Sự gia tăng trông thấy của lượng dầu tồn kho, cùng với những mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu vẫn còn đó, đồng nghĩa với việc giá dầu khó tăng bền trước khi diễn ra cuộc họp của OPEC+ vào tháng 12", nhà phân tích Warren Patterson của ING phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói sản lượng dầu của Mỹ có khả năng sẽ đạt đỉnh sau vài năm nữa vì giá dầu thấp hiện nay sẽ hạn chế tốc độ mở rộng thai thác.
Sản lượng dầu tăng chóng mặt của Mỹ trong mấy năm qua là một nhân tố quan trọng góp phần đẩy giá dầu xuống thấp. Mỹ đã vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhưng gần đây, sản lượng dầu của nước này đã tăng chậm lại.