OPEC+ tính siết sản lượng khai thác dầu đến hết 2019
Nhóm OPEC+ dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 6-9 tháng để hỗ trợ giá dầu
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng khai thác dầu ít nhất đến hết năm 2019 - hãng tin Reuters cho hay.
Nga và thủ lĩnh không chính thức của OPEC là Saudi Arabia vào ngày 30/7 tuyên bố nhất trí gia hạn thỏa thuận nói trên để hỗ trợ cho giá dầu trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi. Một thành viên khác của OPEC là Iraq cũng đã lên tiếng ủng hộ việc kéo dài thỏa thuận.
Được thực thi trong 6 tháng đầu năm, thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC+ quy định nhóm này cắt giảm khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận đã hết hạn vào ngày 30/6, và cuộc họp của nhóm vào ngày 1-2/7 tại Vienna, Áo sẽ quyết định có gia hạn hay không.
Từ năm 2017, OPEC và các nước đối tác dẫn đầu là Nga đã có những đợt giảm sản lượng khai thác dầu để ngăn đà trượt giá của năng lượng này. Việc OPEC+ hạn chế khai thác dầu được xem là việc làm cần thiết bởi sản lượng dầu của Mỹ tăng bùng nổ trong những năm gần đây. Trong năm 2019 này, Mỹ đã vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành quốc gia có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, sức ép buộc OPEC+ phải hạn chế khai thác dầu càng tăng lên khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới kém đi do ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông nhất trí với Saudi Arabia về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 6-9 tháng nữa, tức là tới hết tháng 12/2019 hoặc đến tháng 3/2020.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, nói khả năng cao nhất là thỏa thuận sẽ được gia hạn thêm 9 tháng, và mức cắt giảm sẽ không tăng thêm.
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq, ông Thamer Ghadhban, ngày Chủ nhật nói rằng ông kỳ vọng OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng thêm 6-9 tháng, đồng thời cho biết Baghdad có quan điểm cởi mở về vấn đề này.
"Điều quan trọng nhất là đạt được một thị trường ổn định và tránh biến động. Để làm được điều đó, cần phải giảm lượng dầu tồn kho từ mức cao hiện nay. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng đến hết năm, và cũng không phiền nếu thỏa thuận được gia hạn 9 tháng", ông Ghadhban phát biểu trước báo giới.
Ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản thuộc ngân hàng ING, cho rằng OPEC sẽ thiệt hại nếu không gia hạn thỏa thuận trên. "Vấn đề chủ yếu nằm ở mức giá dầu đảm bảo cân bằng ngân sách. Với Saudi Arabia, mức giá đó vào khoảng 85 USD/thùng, nên điều khiến họ lo lắng là khoảng cách lớn giữa mức giá cần thiết và mức giá trên thị trường hiện nay", vị chuyên gia nói.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã tăng 25%, đạt khoảng 65 USD/thùng, nhờ những yếu tố như khả năng FED hạ lãi suất và căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng. Tuy nhiên, áp lực giảm giá dầu vẫn đang ở mức cao do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.
Iraq đã vượt qua Iran để trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC. Xuất khẩu dầu của Iraq cũng ngày càng tăng nhờ các dự án đầu tư của các công ty dầu lửa phương Tây.
Ngược lại, xuất khẩu dầu của Iran đã sụt giảm còn 0,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6 này, từ mức 2,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2018, do các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ.