17:18 20/11/2021

Phấn đấu đạt 34.000 tỷ đồng rau màu hàng hóa vụ đông 2021

Chu Khôi

Vụ đông miền Bắc năm 2021 sẽ triển khai trồng 400 nghìn ha cây rau màu, mục tiêu tổng doanh thu hơn 34.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, sát với nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu…

Khoai tây là một trong những cây vụ đông cho giá trị cao.
Khoai tây là một trong những cây vụ đông cho giá trị cao.

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ các loại rau màu vụ đông niên vụ 2021, tổ chức ngày 20/11/2021.

TỪ VỤ PHỤ THÀNH VỤ HÀNG HÓA CHÍNH

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông trước đây là vụ sản xuất phụ, nhưng trong hơn 10 năm qua đã trở thành vụ sản xuất hàng hóa chính ở miền Bắc, đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Vụ Đông năm 2021 này, toàn miền Bắc đề ra kế hoạch trồng cấy 400 nghìn ha cây rau màu, với mục tiêu sản lượng thu hoạch 4,6 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34-35 nghìn tỷ đồng.

 
Riêng năm 2020, các tỉnh phía Bắc đã gieo trồng gần 375 nghìn ha cây rau màu, tổng giá trị đạt khoảng 32,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó khu vực Đồng bằng Sông Hồng chiếm tới khoảng 160 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng trên 1,9 triệu tấn với tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 16 nghìn tỷ đồng.

Đến từ Nam Định, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, cho biết toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 11.000 ha cây rau màu vụ đông 2021, với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua, khoai lang… rất phù hợp cho việc chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm. Tỉnh Nam Định kỳ vọng sẽ thu về 1.018 tỷ đồng từ cây vụ đông năm nay, bình quân 86,4 triệu đồng/ha.

Hiện nay, sức tiêu thụ của tỉnh Nam Định là 70%; 30% số nông sản còn lại sẽ phục vụ cho các tỉnh khác. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương bị dư thừa. Đặc biệt là sản phẩm ngao, một ngành hàng chất lượng cao của tỉnh, trước đây tiêu thụ rất mạnh vào thị trường Hà Nội và Trung Quốc.

"Thông qua diễn đàn, tỉnh Nam Định rất mong muốn kết nối để tiêu thụ sản phẩm ngao nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp khác của địa phương nói chung”, bà Nga bày tỏ.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam thông tin, Hà Nam phát triển mạnh cây vụ đông bởi vụ sản xuất này đem lại nguồn lợi cao cho người dân. Với năm 2021, điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên tỉnh đề ra kế hoạch sản xuất gần 10.000ha, trong đó rau, củ, quả là trên 4.500ha, sản lượng dự kiến 100.000 tấn.

Sản phẩm chính của tỉnh Hà Nam là dưa chuột bao tử, bí xanh, bí đỏ… Đây đều là những sản phẩm đã được tỉnh liên kết theo chuỗi với nhiều doanh nghiệp lớn. Về cây ăn quả, tỉnh có khoảng 6.000ha. Dự kiến đến Tết nguyên đán, sản lượng khoảng 40.000 tấn, gồm các loại chuối, bưởi…

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, cho biết Ninh Bình có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng nên các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không bị rơi vào tình trạng ùn ứ cần hỗ trợ tiêu thụ. Vụ đông sớm năm nay, giá cả thị trường nông sản tăng cao đầu vụ so với cùng kỳ năm trước do mưa lớn đầu vụ, cây trồng bị ngập úng, bị chết nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức, hiện nay hợp tác xã có 250 ha chuyên canh rau, cho sản lượng hàng năm vào khoảng 35.000 - 37.000 tấn, trung bình mỗi ngày từ 70 - 80 tấn và cá biệt có những ngày thu gần 200 tấn rau.

Sản phẩm rau của Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức hiện nay đều đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP và có quy trình kiểm tra quy trình kiểm tra rất khắt khe.

Trong số các sản phẩm rau của Hợp tác xã hiện nay có 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao. Mặc dù vậy, đại diện Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức cho rằng khả năng tiêu thụ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được năng lực sản xuất, do đó mong muốn qua diễn đàn được kết nối với nhiều nhà mua hơn nữa để tăng cường khả năng tiêu thụ cho Hợp tác xã.

ĐỂ NÔNG DÂN ĐƯỢC HƯỞNG THÀNH QUẢ XỨNG ĐÁNG

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op, chia sẻ những năm gần đây, Saigon Co.op tập trung công tác thu mua nông sản vụ đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng bằng hình thức khai thác trực tiếp từ vùng trồng hoặc thông qua các Hợp tác xã lớn trong khu vực để cung ứng cho thị trường 3 miền.

“Saigon Co.op cũng có một tổng kho phân phối tại Bắc Ninh nhằm đối lưu hàng hoá giữ các vùng miền. Mỗi năm, hệ thống siêu thị cũng liên kết để tiêu thụ gần 1.000 tấn rau, củ quả như cà rốt, khoai tây, su hào, bắp cải, rau ăn lá của các tỉnh trong vụ đông. Thông qua Diễn đàn, chúng tôi hy vọng hợp tác với các địa phương để đưa các sản phẩm khác vào hệ thống”, ông Liêm nói.

Đứng ở vai trò của nhà phân phối, ông Liêm đưa ra các yêu cầu đối với các sản phẩm: phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm từ vùng trồng; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; áp dụng quy trình thu hoạch, sơ chế và bao gói nghiêm ngặt.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart nhận định, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói do số lượng các cơ sở này rất ít.

 
“Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, tôi cho rằng các địa phương cần đầu tư hơn và sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua”.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart.

Đề cập chiến lược kinh doanh của mình, Chủ tịch HĐQT Nutrimart cho biết vừa đăng ký 200m2 sàn kinh doanh ở khu vực miễn thuế tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để phục vụ nhu cầu tìm hiểu hàng mẫu, mua thử của các doanh nhân Trung Quốc sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho rằng các địa phương cần ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để tiếp cận, kết nối với bà con nông dân hơn.

Phát biểu kết luận chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định: “Vụ đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày. Rau củ vụ này rất ngon do hợp thổ nhưỡng”.

Thứ trưởng mong muốn khâu tiêu thụ làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.

"Chúng ta nên lưu ý kết nối doanh nghiệp cung ứng thực phẩm. Nhu cầu về nguồn thực phẩm rất lớn. Ở đây còn có các doanh nghiệp logistics, chúng ta nhiệt tình tham gia. Các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nông sản nên liên hệ với các đơn vị như Co.op Mart, Big C để trao đổi thông tin”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị.