07:09 25/10/2022

Phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 5,5 triệu m3/tấn trong quý 4/2022

Huyền Vy

Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quý 4/2022 là 5,5 triệu m3/tấn (bình quân 1.833.333 m3/tấn/tháng)…

Hết quý 3/2022, các thương nhân đầu mối đã thực hiện được khoảng 83% kế hoạch tổng nguồn tối thiểu năm 2022.
Hết quý 3/2022, các thương nhân đầu mối đã thực hiện được khoảng 83% kế hoạch tổng nguồn tối thiểu năm 2022.

Ngày 24/10/2022, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đánh giá việc thực hiện tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu 9 tháng năm 2022 và phân giao nguồn xăng dầu quý 4/2022.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ Công Thương giao cho 36 thương nhân đầu mối là 20.722.039m3.

Để bù đắp sản lượng thiếu hụt trong nước, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 giao sản lượng nhập khẩu xăng, dầu tăng thêm trong quý 2/2022. Theo đó, 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu.

Theo báo cáo tổng hợp từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn xăng dầu mặt đất (xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut) trong 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 17.238.335 m3/tấn.

Như vậy, hết quý 3/2022, các thương nhân đầu mối đã thực hiện được khoảng 83% kế hoạch tổng nguồn tối thiểu năm 2022. Nếu tính cả lượng giao nhập khẩu tăng thêm theo Quyết định 242 thì con số này là 75%.

Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết một số thương nhân thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 99,6% đối với xăng và 95,9% đối với diesel; Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP đạt 100,3% đối với xăng và 83,4% đối với diesel; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh đạt 93,2% đối với xăng và 167,0% đối với diesel; Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp đạt 96,2% đối với xăng và 74,9% đối với diesel; Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP đạt 119,0% đối với xăng và 119,4% đối với diesel; Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty xăng dầu Quân đội đạt 123,5% đối với xăng và 127,8% đối với diesel…

Tuy nhiên, vẫn có một số thương nhân đã không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty Cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước và tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quý 4/2022 là 5,5 triệu m3/tấn; bình quân 1.833.333 m3/tấn/tháng. Trong đó, lượng xăng là 2.248.066 m3 (bình quân 749.355m3/tháng); Diesel 3.133.149 m3 (bình quân 1.044.383 m3/tháng); Mazut 110.497 tấn (bình quân 36.832 tấn/tháng); Dầu hỏa 8.287 m3 (bình quân 2.762 m3/tháng).

Việc phân giao được thực hiện căn cứ vào tỷ trọng tổng nguồn đã phân giao đầu năm 2022 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và đã có danh sách với số lượng hạn mức cụ thể đến từng thương nhân đầu mối.