09:04 06/08/2007

Phân phối nội địa và nguy cơ thời hội nhập

Đặng Nguyễn

Theo số liệu của Bộ Thương mại, khoảng 40% lượng hàng hoá đến với người tiêu dùng trong nước vẫn qua hệ thống chợ

Chỉ có 10% hàng hóa bán lẻ đến tay người tiêu dùng trong nước qua hệ thống phân phối hiện đại.
Chỉ có 10% hàng hóa bán lẻ đến tay người tiêu dùng trong nước qua hệ thống phân phối hiện đại.
Theo số liệu của Bộ Thương mại, khoảng 40% lượng hàng hoá đến với người tiêu dùng trong nước vẫn qua hệ thống chợ.

44% hàng hóa là qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ truyền thống, còn hàng hóa qua hệ thống phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) mới chỉ chiếm khoảng 10%; còn lại 6% là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng.

Nhược điểm chung của hệ thống phân phối hiện nay đã được Bộ Thương mại chỉ ra là còn quá nhiều cấp trung gian trong cùng một khâu (bán buôn, bán lẻ), quá nhiều đầu mối trên cùng một khu vực địa lý.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các đơn vị thành viên thuộc cùng một doanh nghiệp, khả năng kiểm soát (các chi phí chủ yếu, giá bán, chất lượng, chương trình bán hàng...) toàn bộ hệ thống từ nhà sản xuất, nhập khẩu qua bán buôn đến bán lẻ thiếu tính liên kết.

Do vậy đã không tạo ra được sức mạnh chung trong việc nghiên cứu thị trường, tập trung đơn đặt hàng, định hướng cho sản xuất và hướng dẫn cho tiêu dùng. Điều này khiến cho khả năng tự điều chỉnh của thị trường kém nhanh nhạy và các biện pháp can thiệp của Nhà nước khó phát huy hiệu quả.

Điều này dẫn tới hậu quả là tác động của thị trường thế giới đến thị trường trong nước thường mạnh hơn so với các nước khác.

Nguyên nhân chính là phần lớn doanh nghiệp thương mại có quy mô nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về trình độ tổ chức hệ thống phân phối phát triển theo hướng hiện đại.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn có một nền thương mại hiện đại phải có được một đội ngũ thương nhân mạnh với những doanh nghiệp lớn có mô hình kinh doanh hiện đại, phương thức kinh doanh tiên tiến, phát triển mang tính "đầu tàu" để lôi kéo, liên kết các doanh nghiệp khác lại, tạo thành một hệ thống phân phối hiện đại, phát triển bền vững.

Mới đây, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp.HCM - Saigon Coop vừa được Tạp chí Bán lẻ châu Á bình chọn là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và lọt vào top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là một ví dụ điển hình cho mô hình hệ thống phân phối theo chuỗi đã bước đầu được hình thành và có xu hướng phát triển (một tất yếu khách quan của lý thuyết "quy mô kinh tế" trong lĩnh vực phân phối) với chuỗi 16 siêu thị và trên 10 cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu "Coop Mart".

Bên cạnh đó, việc sử dụng phương thức nhượng quyền thương mại để mở rộng mạng lưới bán hàng, khai thác và kết hợp nguồn lực của nhiều doanh nghiệp nhỏ trở thành hệ thống có quy mô lớn và có trình độ tổ chức cao đang ngày một phát triển.

Ví dụ, Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên có trên 1.000 cửa hàng và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ G7 với hệ thống phân phối G7 Mart (bao gồm các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, Trung tâm thương mại), Công ty Kinh Đô với gần 100 hiệu bánh "Kinh Đô Bakery", Công ty Cổ phần Hoang Corp với hệ thống cửa hàng tiện lợi 24 - Seven, Công ty TNHH Phạm Trang với hệ thống cửa hàng tiện lợi Small Mart 24h/7...

Quá trình liên kết giữa các doanh nghiệp ngày càng phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung, thực hiện trên cơ sở tích hợp thế mạnh của nhau như vốn, đất đai, kinh nghiệm quản lý, thương hiệu để tạo ra những liên minh mạnh hơn, có quy mô kinh doanh lớn hơn.

Tiêu biểu cho mô hình liên kết này là sự ra đời của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) trong tháng 5/2007. Công ty này do 4 thành viên gồm: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Saigon Coop và Tập đoàn Phú Thái hợp sức lại nhằm mục đích cùng thiết lập một hệ thống phân phối hàng hoá trên toàn quốc.

Mô hình của VDA được kỳ vọng sẽ vừa phát huy được sức mạnh của từng thành viên, vừa tạo ra được vị thế mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập, góp phần xây dựng nền thương mại trong nước vững mạnh để chuẩn bị đón đầu cho việc mở cửa hoàn toàn lĩnh vực thương mại dịch vụ từ 1/1/2009.

Sự hình thành các hãng phân phối lớn xuyên quốc gia và đa quốc gia có mạng lưới phủ khắp toàn cầu đã trở thành một thế lực mạnh, áp đặt cuộc chơi cho các nhà sản xuất.

Nếu Việt Nam không sớm củng cố, phát triển hệ thống phân phối trong nước tốt trước khi mở cửa thị trường thì Việt Nam chỉ có thể hưởng lợi trong thu hút nguồn vốn FDI do quá trình phân công lại cơ cấu sản xuất trên phạm vi toàn cầu, còn việc để các tập đoàn phân phối nước ngoài vào và chi phối thị trường trong nước là điều khó tránh khỏi trong một tương lai gần.

Từ chi phối về phân phối sẽ dẫn đến chi phối về sản xuất. Các nhà sản xuất Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ thì rất khó tạo ra lợi nhuận cao để có thể tích tụ, mở rộng quy mô do giá trị gia tăng trong công đoạn sản xuất ngày một thấp.

Vì vậy, sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối sẽ làm cho mối quan hệ giữa nhà sản xuất, bán buôn và bán lẻ ngày càng chặt chẽ và mật thiết, tạo ra một hệ thống phân phối hàng hoá chuyên nghiệp, liên hoàn, ngày càng hiệu quả.