Pháp cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi năng lượng
Tổng thống Pháp khẳng định sự ủng hộ của Pháp cho Việt Nam thể hiện qua cam kết dành 500 triệu euro nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các dự án trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)...

Chuyển dịch năng lượng là mục tiêu quan trọng của cả Pháp và Việt Nam trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Đây là chia sẻ của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc ngày 27/5/2025, tại Hà Nội, với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25-27/5/2025.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thông tin, trao đổi với nhau về quan điểm, tầm nhìn cũng như nhu cầu hợp tác trong tiến trình chuyển đổi năng lượng của mỗi nước, từ đó các bên tiếp tục phát triển mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc chuyển đổi sang các hình thức năng lượng mới, sạch hơn, trong đó có năng lượng tái tạo, hydrogen, năng lượng hạt nhân sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước.
Tổng thống Emmanuel Macron đánh giá cao các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các khung khổ đa phương trên nhiều phương diện như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí carbon, chuyển dịch năng lượng; khẳng định Pháp sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong triển khai các cam kết này thông qua nhiều cơ chế hợp tác, trong đó có khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Tổng thống Pháp cũng khẳng định sự ủng hộ của Pháp dành cho Việt Nam thể hiện qua cam kết dành 500 triệu euro nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các dự án trong khuôn khổ JETP.
Chia sẻ quan điểm với Tổng thống Pháp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc chuyển đổi sang các hình thức năng lượng mới, sạch hơn, trong đó có năng lượng tái tạo, hydrogen, năng lượng hạt nhân sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai bên đã có truyền thống hợp tác lâu dài và đạt được nhiều thành công trong hợp tác năng lượng. Cùng với đó, việc hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2024 là tiền đề quan trọng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí carbon.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam không chỉ được thúc đẩy trong lĩnh vực năng lượng mà còn cả ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế như công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp...
Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về khoản tài trợ trị giá 67 triệu euro nhằm hỗ trợ mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới truyền tải điện tại Việt Nam. Đây là dự án JETP đầu tiên được một đối tác quốc tế phê duyệt và cũng là khoản tài trợ công đầu tiên trong số các cam kết tài chính mà cộng đồng quốc tế đưa ra để hỗ trợ JETP Việt Nam kể từ năm 2022.
Hai bên cũng khẳng định chuyển đổi năng lượng không thể đạt được nếu chỉ dựa vào nỗ lực riêng của Chính phủ hoặc khu vực tư nhân. Hợp tác công - tư chính là cầu nối để hai bên cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã tổ chức lễ ký các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước trước sự chứng kiến của ông Eric Lombard, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính, Chuyển đổi công nghiệp và Số Pháp và Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.
Đáng chú ý là Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về khoản tài trợ trị giá 67 triệu euro nhằm hỗ trợ mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới truyền tải điện tại Việt Nam.
Khoản đầu tư này sẽ tài trợ cho ba tiểu dự án, bao gồm hai trạm biến áp 500kV xây mới và các đường dây truyền tải điện liên quan đặt tại hai tỉnh phía Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh là Bình Dương và Đồng Nai.
Dự án nhằm tăng cường tính ổn định của lưới điện và nâng cao hiệu quả vận hành, qua đó đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng thiết yếu để duy trì tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Đây là dự án JETP đầu tiên được một đối tác quốc tế phê duyệt và cũng là khoản tài trợ công đầu tiên trong số các cam kết tài chính mà cộng đồng quốc tế đưa ra để hỗ trợ JETP Việt Nam kể từ năm 2022.
Dự án này cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hướng tới một tương lai năng lượng ít carbon, có khả năng thích ứng cao và bền vững, phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của quốc gia.
Trong số các văn kiện ký kết còn có Biên bản ghi nhớ giữa HDF Energy và Công ty Điện lực miền Nam về hợp tác phát triển các dự án sản xuất điện từ hydro khử carbon.