10:58 25/03/2010

Pháp muốn quan hệ kinh tế ngang tầm với quan hệ chính trị

Huyền Thương

Tân Đại sứ Pháp Jean-Francois Girault trả lời báo giới về những nhiệm vụ của ông trong nhiệm kỳ 2010 - 2012 tại Việt Nam

Đại sứ Pháp Jean-Francois Girault.
Đại sứ Pháp Jean-Francois Girault.
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 24/3, tân Đại sứ Pháp Jean-Francois Girault đã trả lời báo giới về những nhiệm vụ của ông trong nhiệm kỳ 2010 - 2012 tại Việt Nam.

Trong những năm qua Pháp luôn là nhà đầu tư lớn ở Việt Nam, trong năm 2010, đầu tư của Pháp vào Việt Nam có gì thay đổi không, thưa ông?

Pháp luôn giữ vị trí hàng đầu trong các nước châu Âu đầu tư vào thị trường Việt Nam. Khi chúng tôi gặp gỡ các doanh nghiệp của Pháp tại Việt Nam, họ đều bày tỏ mong muốn được có mặt trong nhiều lĩnh vực khác, muốn Việt Nam mở cửa nhiều hơn nữa những lĩnh vực có đầu tư của nước ngoài.  

Những ưu tiên lớn nhất trong nhiệm kỳ 3 năm tới của ông là gì, thưa ông?

Thủ  tướng Pháp trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm ngoái đã ký kết với Việt Nam nhiều thỏa thuận ưu tiên trong mối quan hệ hợp tác vài năm tới. Các thỏa thuận đang dần được triển khai. Những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới của tôi lần này tại Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ những thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Pháp có ý định thúc đẩy mối quan hệ kinh tế ngang tầm với mối quan hệ chính trị.

Ông nói các doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, xin ông cho biết rõ hơn những lĩnh vực mà các doanh nghiệp này muốn  đầu tư vào?

Doanh nghiệp Pháp luôn tin tưởng vào thị trường Việt Nam, cho nên họ luôn muốn được đầu tư nhiều hơn nữa. Tại Việt Nam có nhiều lĩnh vực còn  rào cản như các doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm. Về vấn đề này đã được bàn đến trong khuôn khổ trao đổi giữa Liên minh Châu Âu với Việt Nam.

Các nhà đầu tư Pháp mong muốn Việt Nam có đối tác tư nhân tham gia quản lý cộng đồng như giao thông, năng lượng và xử lý rác. Về vấn đề này chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.  

Mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam thường được nhắc đến trên khía cạnh văn hóa hơn là kinh tế, ông có ý kiến gì về quan điểm này, thưa ông?

Chủ  trương của Pháp là muốn phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Để mối quan hệ này muốn phát triển ổn định và bền vững lâu dài, cần cân đối cả lĩnh vực văn hóa giáo dục và kinh tế.

Ví dụ như thúc đẩy mối quan hệ về giáo dục. Hiện nay Việt Nam có khoảng 5,000 sinh viên đang học tại các trường của Pháp, như vậy Pháp đã đạt vị trí thứ 3 thế giới về nước tiếp nhận nhiều sinh viên Việt Nam du học nhất.

Pháp cũng tự hào khi được Việt Nam lựa chọn là nhà đầu tư vào giáo dục, cụ thể là mở trường Đại học Công nghệ, với 6 chuyên ngành trong đó có ngành công nghệ sinh học, đào tạo những chuyên gia trong các lĩnh vực công nghiệp.

Về việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong mục tiêu hòa bình, ở Pháp có trên 75% điện năng được sản xuất tại các nhà máy điện nguyên tử. Pháp không may mắn như Việt Nam có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào. Chúng tôi đã thành công trong việc chế tạo ra những nguồn năng lượng thân thiện với mội trường, và chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm này với Việt Nam.

Sự phát triển của kinh tế Việt Nam có khác gì so với hình dung ban đầu của ông trước khi đến đây, ông có đặt con số mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ này không?

Sau cải cách năm 1986, Việt Nam đã có thành tựu lớn, đang dần được xếp vào những nước đạt mức thu nhập bình quân thế giới. Giới quan sát quốc tế đã có những đánh giá tích cực về thị trường Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Mặc dù năm 2009, khủng hoảng đã làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nhưng Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng 5,3%. Đây là một thành tựu khá cao không những so với châu Á mà còn cao so với thế giới. Việt Nam đã duy trì được tỷ giá đồng tiền và đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa.  

Trước khi đến Việt Nam, tôi đã nắm bắt được tính năng động của thị trường Việt Nam, và tôi cũng đã  đặt ra mục tiêu cụ thể, những con số này sẽ  được công bố, nhưng phải thừa nhận rằng đó là  những con số tham vọng, nó chứng tỏ chúng tôi có kỳ vọng rất lớn trong quan hệ kinh tế với Việt Nam.  

2010 là một năm quan trọng đối với Việt Nam, hội nghị thượng đình ASEAN sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới, và chúng tôi đánh giá cao vai trò  của Việt Nam trong mối quan hệ song phương.

Nhiều năm nay Pháp đã quan tâm đến khu vực ASEAN, Pháp là một trong những nước sáng lập ra Liên minh Châu Âu, Việt Nam là của ngõ của Pháp vào Đông Nam Á, Pháp là của ngõ của Việt Nam vào Liên minh Châu Âu. Trong mối quan hệ hợp tác kinh tế, hi vọng hai nước sẽ giữ vững và củng cố vai trò của mình.