Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp trên thế giới thường hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu và trường đại học. Việc này không chỉ nhằm phát triển nguồn nhân lực mà còn để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), hoàn thiện sản phẩm…
Trao đổi tại Hội thảo “Doanh nghiệp - Viện trường cùng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” ngày 1/7 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP tổ chức, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC khẳng định, Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
“Trong khoảng một năm trở lại đây, chưa bao giờ thể chế và quy trình chính sách của Việt Nam thay đổi một cách tích cực và mạnh mẽ vì đổi mới sáng tạo như vậy”, ông Đỗ Tiến Thịnh nói.
Trong bối cảnh đó, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng để góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp trên thế giới thường hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu và trường đại học. Việc này không chỉ nhằm phát triển nguồn nhân lực mà còn để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), hoàn thiện sản phẩm…
Cùng ý kiến, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo của BK Holdings, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc đưa sản phẩm từ phòng lab ra thị trường là một thách thức lớn, vì thế, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các viện, trường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời giúp sản phẩm nhanh chóng được thương mại hóa và mang lại lợi ích kinh tế.
Chia sẻ về Qualcomm và hướng phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo mở, bà Nguyễn Thanh Thảo, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Phát triển Kinh doanh của Qualcomm cho biết, mặc dù Qualcomm có những công nghệ mạnh mẽ cũng như hoạt động Nghiên cứu và phát triển sâu rộng, song Qualcomm không thể bỏ qua hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở bao gồm các trường, viện, các start-up và cơ quan chính phủ.
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, đổi mới sáng tạo mở luôn là một trụ cột quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, mục tiêu hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực. Trước bối cảnh đó, các Viện trường, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng để góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Việc thiết lập một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở có thể mang đến nguồn ý tưởng mới, và khả năng tiếp cận nguồn tri thức khoa học công nghệ, các công nghệ, giải pháp mới cho vấn đề của doanh nghiệp một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất. Đồng thời, các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở cũng tham gia vào việc góp ý, xây dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách mới giúp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Ông Đỗ Tiến Thịnh khẳng định, NIC cam kết tiếp tục đồng hành cùng các viện trường, doanh nghiệp, tạo ra các chính sách và cơ chế hỗ trợ để khuyến khích tinh thần sáng tạo, đồng thời giúp các start-up có thể phát triển bền vững trên thị trường mà đòn bẩy chính là thúc đẩy sự ươm tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ việc khai thác nguồn lực từ khối các trường đại học Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra lễ công bố "Sổ tay về Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp”. Cuốn sổ tay với cách triển khai nội dung đi từ thực tiễn, tham gia bởi các doanh nghiệp đã có case-study trong sổ tay như: Qualcomm, CMC... và một trong những doanh nghiệp nổi bật đi đầu trong đổi mới sáng tạo tại Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với sứ mệnh cung cấp nguồn nhiên liệu sạch với tiêu chuẩn cao cấp.
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Petrolimex luôn chú trọng đến việc hiện thực hóa các mục tiêu đổi mới sáng tạo giữa bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu, với mục tiêu mang lại giá trị lớn lao, có ý nghĩa cho xã hội, cho quốc gia và người dân Việt Nam.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT BambuUP - đơn vị phối hợp thực hiện cuốn sổ tay chia sẻ, cuốn sổ tay là tài liệu hệ thống hóa những câu chuyện vận hành đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đem đến những định hướng chiến lược hữu ích để các doanh nghiệp có thể khai thác tối ưu các nguồn lực và triển khai áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo một cách phù hợp.