Phát triển kinh tế 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông vẫn còn nhiều thách thức
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông vượt trội trong cả nước nhờ nỗ lực cải cách hành chính và môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, các địa phương đang đối mặt thách thức lớn về tài chính và chuyên môn trong lĩnh vực quản trị môi trường…
Hiện tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 4 tỉnh thuộc Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông (VEHEC) là 52.000 doanh nghiệp, chiếm 5,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 4 TỈNH VƯỢT TRỘI
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực VEHEC là một phần của sáng kiến chiến lược, đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các mục tiêu của Đồng bằng sông Hồng được nêu trong Nghị quyết 30-NQ/TW và Quyết định 368-QĐ/TTg, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng năng lượng tái tạo, phát triển logistics xanh và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Tại diễn đàn “Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”, ông Phan Tuấn Ngọc, chuyên gia kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam, khi trình bày “Báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông năm 2024” đã nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông vượt trội trong cả nước nhờ nỗ lực cải cách hành chính và môi trường kinh doanh.
Theo đại diện của Đại học Fulbright Việt Nam, những năm qua, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động song với thế mạnh, 4 tỉnh tiểu vùng trục cao tốc phía Đông (VEHEC) duy trì tăng trưởng ấn tượng, cao hơn mức trung bình cả nước. Đáng chú ý, Hải Phòng và Quảng Ninh đạt tăng trưởng ở mức cao từ 11%-12%.
Trong cả nước, tốc độ cải thiện năng suất lao động của khu vực VEHEC cũng được duy trì ở mức cao (trên 10%) trong suốt giai đoạn 2019-2022, thậm chí mức tăng này còn được duy trì qua cả giai đoạn đầy khó khăn của đại dịch Covid -19. Mức tăng cao này một phần nhờ vào lực lượng lao động đã qua đào tạo ở khu vực VEHEC cao hơn so với trung bình cả nước.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 4 địa phương VEHEC đều nằm trong số 30 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất năm 2023.
Trong đó, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu PCI trong 4 năm liên tiếp (2020-2023) khẳng định vị thế là địa phương có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước.
Còn Hải Phòng luôn nằm trong top 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI (2021-2023) góp phần củng cố vai trò trung tâm công nghiệp và logistics hàng đầu khu vực.
Theo nhận định của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, với sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, sản xuất thông minh đã trở thành một động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, Việt Nam là "mắt xích" sản xuất mới tại châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.
Ông Phạm Tấn Công cho rằng thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại Việt Nam nói chung cũng như VEHEC nói riêng, qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong tương lai.
BA KHUYẾN CÁO ĐỂ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KHU VỰC VEHEC
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông năm 2024 cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức. Khảo sát PCI 2023 với 710 doanh nghiệp từ 4 thành viên VEHEC, nhóm nghiên cứu nhận thấy, hơn một nửa doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng, vượt qua cả thách thức tìm kiếm khách hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp gặp thách thức do biến động thị trường và hậu quả Covid-19; các thay đổi đột ngột về chính sách và quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp; thủ tục hành chính cũng là một thách thức đáng kể. Cùng với những thách thức hiện hữu trên là các thách thức về chuyển đổi xanh - xu hướng mới trên toàn cầu và tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các địa phương đang đối mặt với thách thức lớn về tài chính và chuyên môn trong lĩnh vực quản trị môi trường; các thị trường quốc tế ngày càng đưa ra tiêu chuẩn môi trường cao. Trong khi đó, chính quyền địa phương dù rất nỗ lực nhưng còn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh động lực doanh nghiệp và xây dựng các chính sách phù hợp. Việc thúc đẩy sản xuất bền vững cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trung ương, không chỉ về quy định mà còn trong việc phối hợp các nguồn lực và thông tin.
Thứ nhất, cải thiện năng lực địa phương. Chính quyền địa phương cần tiếp cận cải thiện chỉ số PGI như với PCI; nghiên cứu kỹ các chỉ số PGI, trao đổi với các tỉnh dẫn đầu và nhóm nghiên cứu PGI; các định các chỉ số thành phần cần cải thiện và xây dựng kế hoạch hành động chi tiết.
Thứ hai, tận dụng hỗ trợ từ trung ương và quốc tế. Chính phủ và các tổ chức quốc tế cần cung cấp tài chính và kỹ thuật giúp địa phương khắc phục hạn chế về nguồn lực và năng lực và thực hiện chuyển đổi xanh hiệu quả hơn.
Thứ ba, thúc đẩy vai trò của thị trường. Người tiêu dùng cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sản phẩm thân thiện môi trường, từ đó tạo động lực thị trường mạnh mẽ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh; khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh bằng cách tạo điều kiện tiếp cận thị trường có tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
"Khu vực các tỉnh VEHEC có 6 triệu dân, đúng bằng dân số của Singapore nhưng diện tích của Singapore bằng một tỉnh.
Cách đây 3 năm khi làm việc với Quảng Ninh, tôi đã mong muốn tỉnh trở thành Singapore thu nhỏ. Nhìn vào tiềm năng của 4 tỉnh không khác gì một Singapore.Tôi nghĩ là chúng ta hoàn toàn có thể làm được như vậy với lợi thế địa lý, hạ tầng giao thông, thị trường rộng lớn.
VEHEC mới thành lập, trong thời gian qua, chúng ta đang bàn đến sự kết nối, đã đến lúc chúng ta cần hành động nghiên cứu sâu hơn đưa ra các kiến nghị không chỉ cho từng tỉnh mà cả cho Hội đồng điều hành VEHEC, có các hoạt động chung để phát triển".
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.