Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với du lịch nông thôn
Việt Nam đang triển khai các phương thức du lịch mới và bền vững như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Những hình thức du lịch này tạo ra những lợi ích đáng kể cho cộng đồng nông dân địa phương, góp phần gia tăng giá trị cho nông nghiệp và bảo tồn môi trường…
Phát biểu khai mạc Hội chợ triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 (AgroViet 2023), ngày 14/9/2023, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những năm qua được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước với nhiều mục tiêu luôn vượt kế hoạch đề ra. Năm 2022, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đến được trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch 53,53 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới.
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ NÔNG SẢN
Năm 2023, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc). Các yếu tố bất lợi trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tình hình hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản Việt thông qua nhiều giải pháp, trong đó nhóm các giải pháp tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động kết nối cung cầu và kết nối tiêu thụ, trong đó, AgroViet 2023 là sự kiện nằm trong nhóm giải pháp đó.
AgroViet là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, được tổ chức thường niên vào tháng 9 hàng năm. Năm 2023, Hội chợ có chủ đề: “Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững”, diễn ra trong 4 ngày từ ngày 14 đến 17/9/2023, nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giao dịch thương mại, tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP, nông đặc sản chất lượng cao của các địa phương trong cả nước; đây đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cũng tại Hội chợ lần này, tỉnh Ninh Bình phối hợp, chủ trì tổ chức “Tuần lễ na và các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình”. Bên cạnh đó, có khu quảng bá du lịch nông thôn và văn hóa vùng miền lần đầu tiên được giới thiệu tại Hội chợ theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp tích hợp đa gia trị.
Với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tiếp cận thị trường, tại Hội chợ, Ban tổ chức đã xây dựng và vận hành 1 kênh TikTok quảng bá theo chuyên đề về Hội chợ và sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ. Đồng thời, tổ chức các hoạt động livestream quảng bá, bán sản phẩm, dịch vụ, trực tiếp tại Hội chợ thông qua nền tảng các mạng xã hội; hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp, chủ thể mở kênh và bán sản phẩm chuyển giao cách thức vận hành giúp doanh nghiệp tiếp cận và hòa nhập với thời kì công nghệ 4.0.
DU LỊCH NÔNG THÔN, SINH THÁI LÀ XU THẾ TƯƠNG LAI
Chiều 14/9/2023, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023, diễn ra hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn”.
Ông Nguyễn Anh Phong, Chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), dẫn thông tin từ Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% trong tổng du khách, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm.
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn.
TS. Nguyễn Anh Phong nêu lên những thách thức cho phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, đó là cần chi phí nhiều cho thiết kế và phát triển sản phẩm. Nguồn lực cần cho đào tạo, nâng cao năng lực lớn nhưng các chính sách hỗ trợ còn dàn trải. Thách thức trong xây dựng tổ chức thể chế, thiết chế đảm bảo phân phối lợi ích công bằng với hoạt động cần có sự hợp tác của nhiều bên, dễ xung đột lợi ích. Chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn phức tạp.
Nhấn mạnh du lịch nông thôn, sinh thái là xu thế tương lai, TS. Nguyễn Anh Phong cho rằng phát triển loại hình này cần phải theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị: sử dụng hiệu quả và phát huy giá trị truyền thống, gắn với môi trường sinh thái, tạo không gian đổi mới, sáng tạo, sản phẩm mới, xanh và bền vững, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, trải nghiệm.
Đề cập các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn, TS. Nguyễn Anh Phong khuyến nghị các địa phương cần có chính sách đất đai cho loại hình này, dựa trên điều kiện của từng địa phương như phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường,…
Cần tăng cường kết nối du lịch với cộng đồng, hình thành các "điểm đến vệ tinh" gắn với các trung tâm du lịch lớn. Cần ưu tiên thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh ở cấp độ thôn bản gắn với quy hoạch không gian, kiến trúc tổng thể.
"Muốn vậy, cần xác định tài nguyên chung, tiềm năng và đặc thù của bản, của mỗi phân khu để quy hoạch và xây dựng các nhóm sản phẩm tạo thu nhập. Đặc biệt, cần sự cam kết của toàn bản với các dịch vụ đa dạng: văn nghệ, phong tục/lễ hội văn hoá, ẩm thực địa phương, trồng trọt/thu hái nông sản, thổ cẩm, nghề thủ công truyền thống, nông sản địa phương, hướng dẫn viên, dịch vụ vận chuyển…", TS. Nguyễn Anh Phong chia sẻ.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), cảnh báo tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng vào tham gia là một vấn đề đáng quan ngại mà Việt Nam đang gặp phải.
“Một sai lầm phổ biến là sự hiểu lầm giữa nhà trọ và homestay. Nhà trọ thường chỉ là nơi cung cấp chỗ ở, trong khi homestay mang đến trải nghiệm sống và giao lưu văn hóa cùng cộng đồng địa phương”, ông Quỳnh nêu quan điểm.
Theo đó, những homestay chất lượng thường phải đi kèm với sự chăm sóc và hướng dẫn từ người dân địa phương, mang đến cho du khách một môi trường tương tác, đắm chìm trong đời sống của cộng đồng và có cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống.
Đề xuất các giải pháp thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Phạm Hải Quỳnh cho rẳng giữa Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan, như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, để xây dựng và quảng bá thương hiệu "Travel Shopping" cho sản phẩm nông nghiệp du lịch Việt Nam.
"Cần thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch. Cần xây dựng các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp. Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương...", ông Phạm Hải Quỳnh khuyến nghị.