Phe Dân chủ Mỹ dọa tẩy chay Starbucks nếu cựu CEO tranh cử tổng thống
Nhiều người theo phe Đảng Dân chủ đồng loạt lên tiếng phản đối và dọa sẽ tẩy chay Starbucks nếu ông Howard Schultz chạy đua vào Nhà Trắng
Sau khi Howard Schultz, cựu CEO, cựu chủ tịch của Starbucks tuyên bố cân nhắc tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 với tư cách một ứng cử viên độc lập, nhiều người theo phe Đảng Dân chủ đã đồng loạt lên tiếng phản đối. Họ cho rằng tỷ phú này có thể tranh thủ được những cử tri phản đối Tổng thống Donald Trump mà ứng viên của Đảng Dân chủ sẽ cần đến trong cuộc bầu cử vào năm sau.
"Tôi phải nói rằng ông ấy có ý định tốt nhưng đây chỉ là sự ảo tưởng của một người giàu có mà cuối cùng hóa ra lại đóng góp lớn cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump", Ian Russell, chiến lược gia của Đảng Dân chủ nói với Business Insider. "Không có con đường cho một ứng viên độc lập. Tất cả tiền bạc trên thế giới không thể thay đổi quy luật của chính trị".
Russell cũng cho biết ông không biết người làm việc cho Đảng Dân chủ lại dám ủng hộ Schultz.
Nhiều thành viên Đảng Dân chủ khác cũng nói rằng ý định của Schultz là "phù phiếm" và họ có thể sẽ gây áp lực để ông từ bỏ ý tưởng này.
"Rồi một ngày ông ấy sẽ phải nhìn vào gương và quyết định muốn trở thành một phần của giải pháp hay một phần của vấn đề", Jesse Ferguson, cựu phát ngôn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton vào năm 2016, nói.
Một số thậm chí đe dọa sẽ tẩy chay Startbucks nếu Schultz chạy đua vào Nhà Trắng. Nhiều người đã chia sẻ trạng thái trên Twitter với hashtag "tẩy chay Starbucks".
"Những kế hoạch phù phiếm khiến nền dân chủ bị hủy hoại thật đáng sợ", Neera Tanden, chủ tịch viện chính sách Center for American Progress đăng tải trên Twitter. "Nếu ông ấy tham gia tranh cử, tôi sẽ khởi động một chiến dịch tẩy chay Starbucks bởi tôi sẽ không bỏ một đồng nào ra cho một gã sẽ giúp ông Trump chiến thắng".
Một số người khác tỏ ra lạc quan hơn rằng ứng viên của Đảng Dân chủ có thể thắng thế một ứng viên độc lập tự bỏ tiền túi để tranh cử.
"Tôi sẽ không chỉ tẩy chay Starbucks nếu Howard Schultz chạy đua chức tổng thống với tư cách ứng viên độc lập, mà còn đứng bên ngoài cửa hàng (Starbucks) để phản đối mỗi ngày", Nathan Lerner, nhà hoạt động chính trị, người đứng đầu tổ chức Democratic Coalition Against Trump chia sẻ trên Twitter.
Trong khi đó, Schultz nói với trang tin Axios rằng ông không lo lắng về những phản đối. "Tôi không xem việc giành chiến thắng trên Twitter là điều quan trọng. Tôi tin rằng những người cả đời theo phe Dân Chủ và Cộng Hòa đang tìm kiếm một căn nhà, và họ sẽ không dành hàng giờ trên Twitter".
Trước đó, trong một loạt cuộc phỏng vấn vào ngày chủ nhật (27/1), Schultz cho biết ông sẽ tập trung vào các vấn đề như y tế, giáo dục và nợ công nếu ra tranh cử tổng thống. Theo chủ nghĩa bảo thủ về mặt tài chính, ông ủng hộ việc giảm chi tiêu của chính phủ vào hệ thống an sinh xã hội.
"Khi nghe mọi người tán thành việc miễn phí đại học, miễn phí y tế và miễn phí việc làm cho tất cả - trên khoản nợ công 21.000 tỷ USD - tôi đặt câu hỏi: 'làm sao chúng ta có thể chi trả cho tất cả những thứ này mà không khiến đất nước phá sản?'", Schultz nói với tờ Times.
Từ lâu, cựu CEO Starbucks đã quan tâm tới vấn đề nợ công của Mỹ - ông gọi đây là "mối đe dọa từ bên trong lớn nhất đối với đất nước. Điều này sẽ khiến ông khác biệt so với ông Trump và Đảng Cộng hòa - chủ yếu quan tâm tới vấn đề thâm hụt ngân sách sau khi thông qua chương trình giảm thuế vào năm 2017. (Việc cắt giảm thuế của chính quyền ông Trump được dự báo sẽ tăng thêm 1.800 tỷ USD vào nợ công của Mỹ trong thập kỷ tới).
Dù đã rời khỏi vị trí lãnh đạo Starbucks vào năm 2018, Schultz vẫn nắm giữ 37,7 triệu cổ phiếu - tương đương gần 3% cổ phần công ty. Năm 2018, lương của Schultz tại Starbucks là 1 USD, nhưng ông nhận về 30,1 triệu USD thưởng, gồm cổ phiếu và quyền chọn.
Theo hãng nghiên cứu Sentieo, làn sóng kêu gọi tẩy chay đang gia tăng trên Twitter nhưng vẫn khá nhỏ bé so với những đe dọa tẩy chay chuỗi cà phê này trước đây. Dù vậy, tẩy chay không nhất thiết phải gây ảnh hưởng tới doanh thu mới đạt được kết quả.
Ví dụ, các phong trào tẩy chay Starbucks nổ ra sau bê bối gây tranh cãi liên quan tới vấn đề phân biệt chủng tộc vào năm ngoái không ảnh hưởng đáng kể tới giá cổ phiếu hay doanh thu của Starbucks. Tuy nhiên, hãng này đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng tại Mỹ một ngày để đào tạo lại nhân viên và thay đổi một số chính sách dành cho khách hàng.
Theo Business Insider, việc những người ủng hộ Đảng Dân chủ không kêu gọi tẩy chay Starbucks có thể không mấy ảnh hưởng tới doanh thu, nhưng sẽ tổn hại tới danh tiếng của hãng này. Và điều này được cho là có thể khiến Schultz từ bỏ ý định tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.