14:42 18/05/2021

Phí bảo hiểm tăng 19%, doanh nghiệp đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 500 nghìn tỷ đồng

Vũ Phong

Nếu so với thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng tới 112,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 22,72%...

Thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 4/2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp trên thị trường bảo hiểm ước đạt 608.324 tỷ đồng.

Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 101.471 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 506.853 tỷ đồng.

Như vậy, so với thời điểm cuối tháng 3/2021, tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp này mới chỉ tăng gần 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối năm 2020, con số này đã tăng tới 112,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 22,72%.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 501.292 tỷ đồng, tăng 22,06% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.485 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 448.807 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 61.208 tỷ đồng, tăng 19,12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.241 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 41.967 tỷ đồng.

Được biết, hiện thị trường bảo hiểm có 72 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 20 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đang trong quá trình tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và hoàn thiện dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành được ban hành năm 2000, đã được đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và 2019. Một số quy định không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, trong 20 năm qua, thị trường bảo hiểm cũng có nhiều sự phát triển, thay đổi mà cơ chế chính sách chưa theo kịp. Việc sửa Luật nhằm đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á về đánh giá xây dựng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro đối với doanh nghiệp bảo hiểm.