10:35 14/01/2015

“Phi công sẽ được chuyển nhượng như cầu thủ”

Ngô Trang

Cơ quan quản lý và Vietnam Airlines đang nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý phi công theo cơ chế minh bạch, rõ ràng

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, việc hơn 100 phi công của Vietnam Airlines đồng loạt báo ốm và xin nghỉ việc đã ảnh hưởng đến an ninh, an toàn bay.<br>
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, việc hơn 100 phi công của Vietnam Airlines đồng loạt báo ốm và xin nghỉ việc đã ảnh hưởng đến an ninh, an toàn bay.<br>
Người đứng đầu ngành hàng không khẳng định, việc ngăn không cho phi công của Vietnam Airlines chuyển việc là đúng quy định, song đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời.

Trao đổi với báo giới ngày 13/1, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho hay việc có đến 117 phi công của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) xin nghỉ ốm trong 5 ngày Tết Dương lịch vừa qua là hiện tượng bất thường, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn bay.

Theo ông Thanh, các dấu hiệu bất thường vừa qua có thể phá vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kế hoạch về an ninh quốc phòng nên cơ quan Nhà nước phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp.

Hơn nữa, Vietnam Airlines được xác định là lực lượng dự bị an ninh quốc phòng, thực hiện các kế hoạch kinh doanh được Thủ tướng phê duyệt.

“Chỉ thị của Bộ trưởng dùng từ “tạm thời chưa chấp nhận” muốn nói đó là một biện pháp tạm thời chứ không phải biện pháp, quyết định dài hạn. Điều đó phù hợp với pháp luật”, ông Thanh khẳng định.

Trước ý kiến cho rằng phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ không chỉ do tiền lương thấp mà còn do quá tải về công việc, người đứng đầu Cục Hàng không cho hay, các quy định an toàn bay rất ngặt nghèo, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi của phi công.

“Nói phi công bị vắt kiệt sức là không chính xác”, ông nói.

Tuy nhiên, về lâu dài sẽ thực hiện biện pháp ổn định tư tưởng chính trị cho phi công; triển khai các biện pháp đảm bảo quyền lợi, tăng thu nhập cho phi công; ổn định sản xuất kinh doanh; đào tạo huấn luyện phi công và ban hành cơ chế quản lý.

Đặc biệt, ông Thanh cho biết, sẽ soạn thảo các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng lao động trong ngành hàng không. “Lấy ví dụ như cầu thủ bóng đá, phải dùng cơ chế công khai minh bạch chứ không thể dùng mãi biện pháp hành chính”.

Hiện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã giao các đơn vị chức năng chậm nhất đến tháng 7/2015 phải hoàn thành các văn bản dưới luật để giải quyết vấn đề nghỉ, chuyển việc của phi công.

Được biết, mới đây Vietnam Airlines cũng đã và đang nghiên cứu, xây dựng một chính sách về quản lý nhân lực phi công, trong đó sẽ áp dụng các biện pháp tính chi phí đào tạo, quản lý, thậm chí cả phí “thương hiệu” đối với các phi công muốn chuyển công tác, tương tự như các câu lạc bộ bóng đá hiện nay.
 
Trước đó, ngày 12/1, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết từ 5/1 có tổng cộng 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Sau đó, 9 người có đơn xin nghỉ việc. Trong số phi công báo ốm chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận cơ quan y tế. Cao điểm có những ngày ghi nhận 7-8 chuyến bay có phi công báo ốm. Vietnam Airlines đã huy động lực lượng dự bị có sẵn để đáp ứng yêu cầu.