09:03 13/01/2015

Sếp Vietnam Airlines: “Chúng tôi không nghĩ là do Vietjet Air”

Song Hà

Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói về việc hàng loạt phi công của hãng đồng loạt xin nghỉ ốm hoặc nộp đơn nghỉ việc

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh: "Việc tăng lương cho phi công là nằm trong lộ trình chứ không phải vì áp lực của đợt lãn công vừa qua".<br>
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh: "Việc tăng lương cho phi công là nằm trong lộ trình chứ không phải vì áp lực của đợt lãn công vừa qua".<br>
“Chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện vừa rồi là do Vietjet Air, chúng tôi không đặt hãng hàng không cụ thể nào lên bàn nghị sự”.

Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Ngọc Minh khẳng định điều này với báo giới trước câu hỏi “liệu việc phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc hàng loạt có liên quan đến hãng hàng không nội địa nào không?”

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, từ đầu năm 2014 đã có hiện tượng kỹ sư thợ máy nộp đơn xin nghỉ việc và hãng đã làm công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục. Tuy nhiên, đến nửa cuối 2014, số phi công bắt đầu nộp đơn xin nghỉ việc ngày càng tăng lên.

Đỉnh điểm là đến dịp Tết Dương lịch vừa qua, từ 30/12/2014 đến 4/1/2015 có tới 117 lượt phi công báo ốm, trong đó 90% nằm ở lực lượng đội bay Airbus, không có kỹ sư nghỉ việc đang làm ở B777 và ATR 72.

Đáng chú ý, con số nghỉ việc này gấp hai lần so với cùng kỳ, và trong số 117 trường hợp này chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận của cơ quan y tế.

“Dù số lượng đơn xin nghỉ việc mới dừng ở 9 đơn, nhưng hàng trăm lượt báo ốm là rất bất thường. Không thể xem là việc đơn lẻ cá nhân. Đây là hiện tượng lãn công tập thể thông qua báo ốm. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý công nhân viên, đe dọa an ninh kinh tế của đất nước nói chung và hoạt động của Vietnam Airlines nói riêng”, ông Minh nói.

Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết, việc một hãng hàng không quốc gia bị lâm vào tình trạng như hiện nay không phải là chưa có tiền lệ. Cathay Pacific, Quantas cũng đã có hiện tượng tương tự.

Và theo ông thì trong hầu hết các trường hợp, chính phủ các nước đều can thiệp. Riêng Trung Quốc năm 1998 đã yêu cầu Cathay không được đàm phán với nghiệp đoàn phi công.

Liên quan đến vấn đề lương thưởng của nhân viên, phi công, ông Minh nói từ 2008 đã Vietnam Airlines xây dựng lộ trình cải cách tiền lương trong nội bộ của hãng và công bố rõ ràng, phấn đầu từ 5 - 7 năm lương và thu nhập của đội ngũ lao động kỹ thuật cao tiếp cận khoảng 75 - 80% mặt bằng thu nhập của khu vực.

Từ năm 2008 Vietnam Airlines thực hiện cải cách tiền lương lần 1 và đến cuối năm 2014, Vietnam Airlines cải cách tiền lương đợt 3. Trong đó, quý 1/2104, lương của cơ trưởng B777 là 167 triệu/tháng, cơ trưởng giáo viên là 157 triệu, A321 cơ trưởng 150 triệu, cơ phó 72 triệu; ATR 72 thì cơ trưởng từ 135-100 triệu, cơ phó là 60 triệu.

Riêng thu nhập bình quân của lao động còn lại của  Vietnam Airlines khoảng 12 triệu đồng/người/tháng vào thời điểm cuối 2014.

Cũng theo ông Minh, ngày 5/1 vừa qua lãnh đạo Tổng công ty đã trao đổi với tập thể phi công người Việt của hãng và công bố lộ trình điều chỉnh lương của 2015, chia làm hai giai đoạn.

Theo đó, từ 2015, cơ trưởng từ 163 - 203 triệu, cơ phó là 103 triệu đồng. A321 cơ trưởng từ 183 triệu -143 triệu đồng, cơ phó là 85 triệu, ATR 72 từ 153 triệu đồng-114 triệu đồng, cơ phó là 70 triệu đồng.

Giai đoạn cuối năm 2015, dự kiến cơ trưởng B777, 787, A350 từ 177 - 217 triệu đồng, cơ phó là 107 triệu, A321 cơ trưởng từ 155 - 180, cơ phó là 85 triệu, ATR 72 cơ trưởng từ 121- 160 triệu, cơ phó là 70 triệu.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, mặt bằng thu nhập như vậy đã đạt 75 - 80% so với thu nhập của phi công nước ngoài ở chức danh tương đương mà hãng đang thuê.

Cụ thể, lương trả cho phi công nước ngoài mà Vietnam Airlines đang thuê đang nằm ở mức 10.000 - 12.000 USD/tháng. Bên cạnh đó, thuê phi công nước ngoài phải nộp thuế nhà thầu và thuế thu nhập của phi công. Năm 2014 nộp tổng thuế thu nhập cá nhân cho đội ngũ phi công là 240 tỷ đồng.

Ông Minh cũng khẳng định, việc tăng lương cho phi công trong năm 2015 là nằm trong lộ trình, không có chuyện chạy theo phi công.

“Chúng tôi không có chủ trương cứ thị trường, đối thủ nào đó đưa ra một cái giá thì Vietnam Airlines phải chạy theo. Chúng tôi quan tâm đến quyền lợi của tập thể lao động, chứ không phải chỉ riêng mỗi lực lượng phi công”, ông Minh nói.

Ông cũng cho biết rằng sau khi có chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, khá nhiều phi công đã rút đơn xin nghỉ việc và quay lại làm việc.

Trả lời về việc Vietnam Airlines ra nghị quyết "ngăn chặn" phi công chuyển việc có vi phạm Luật Lao động hay không, ông Minh cho biết là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines đã báo cáo cơ quan quản lý để có biện pháp để hạn chế. Các cơ quan này sẽ có chỉ đạo, nhằm dừng sự việc phi công xin nghỉ bất thường, còn hãng không quyết định.

Trao đổi với VnEconomy, một đại diện của Vietjet Air cho hay, phi công hãng này hiện có đến 95% không phải người Việt Nam và hãng vẫn khai thác bình thường từ ngày thành lập đến nay.

Hơn nữa, phi công các hãng nước ngoài về bay cho Vietjet Air lên tới 200 trăm người, song các hãng nước ngoài cũng chưa bao giờ lên tiếng hay có ý kiến gì với Vietjet.