14:59 28/12/2017

Phía sau 24 phiên tăng trần của cổ phiếu Đầu tư Tài chính Hoàng Minh

Bạch Dương

Cổ phiếu tăng trần liên tục nhưng hoạt động kinh doanh sa sút, nhiều bất thường trong khoản đầu tư vào công ty liên kết

Giá cổ phiếu KPF 1 tháng qua.
Giá cổ phiếu KPF 1 tháng qua.

Cổ phiếu KPF tăng trần liên tục nhưng hoạt động kinh doanh sa sút, nhiều bất thường trong khoản đầu tư vào công ty liên kết. Động thái liên tục mua vào bán ra của các lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (mã KPF) cũng khiến nhiều cổ đông không khỏi lo lắng.

Cổ phiếu tăng trần, lãnh đạo tranh thủ bán ra

Trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu KPF đã tăng trần 24 phiên, từ mức 5.320 đồng/cổ phiếu (ngày 21/11) lên 26.800 đồng/cổ phiếu phiên 28/12.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, thị giá KPF đã tăng 403%, lọt top những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn chứng khoán. Vốn hoá công ty vì thế cũng tăng mạnh 429 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Minh được thành lập 2009 với vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông…tuy nhiên sau đó công ty chuyển dần sang lĩnh vực tư vấn sản xuất.

Công ty chính thức niêm yết trên sàn HOSE từ tháng 3/2016 với giá tham chiếu 12.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay phiên giao dịch đầu tiên, KPF chỉ đóng cửa ở mức 9.180 đồng. Như vậy, tính từ khi niêm yết đến nay, KPF đã đạt kỷ lục thị giá với chuỗi tăng trần liên tục.

Điều đáng nói, trên đỉnh cao về giá, lãnh đạo công ty lại liên tục có động thái bán ra cổ phiếu. Chẳng hạn, ông Đoàn Minh Tuấn, Thành viên Hội đồng quản trị công ty đã bán ra gần 1,6 triệu cổ phiếu. Bố, mẹ và anh em rẻ của ông Đoàn Minh Tuấn cũng liên tục có động thái bán ra cổ phiếu với số lượng từ vài nghìn đến hàng trăm ngàn cổ phiếu.

Ngoài ra, bà Nguyễn Kim Anh, Phó tổng giám đốc đăng ký bán 618.584 cổ phiếu. Một cổ đông lớn khác là bà Lương Thị Hồng Vân cũng đã bán ra 1,588 triệu cổ phiếu…

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính của công ty mờ nhạt và sa sút. Quý 3/2017, KPF có doanh thu hợp nhất là 30,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ 83 triệu đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, KPF có doanh thu 57,8 tỷ đồng, lợi nhuận 277 triệu đồng, giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ 2016 ( doanh thu 60 tỷ, lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ). Lãi cơ bản trên cổ phiếu chỉ ở mức 16 đồng/cổ phiếu, sụt giảm mạnh so với mức 353 đồng/cổ phiếu cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa nhưng diễn biến cổ phiếu lại hoàn toàn trái ngược, khiến nhiều cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nghi ngờ.

Bất thường khoản đầu tư tiền tỷ ở công ty liên kết

Việc tăng giá của cổ phiếu KPF bắt đầu tư ngày 22/11 khi công ty này công bố về việc thoái vốn tại hai công ty liên kết là Công ty Cổ phần Phú Gia Hà Nam. Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 3,92 triệu, tương ứng 49% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng là Tập đoàn Bắc Đô. Thời gian chuyển nhượng trước 31/12/2017.

Trước đó, KPF cũng công bố thoái vốn tại Công ty Cổ phần đầu tư Tam Hà với tổng số cổ phần chuyển nhượng là 3,92 triệu, tương ứng 49% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng là bà Hà Ngọc Quỳnh. Thời gian chuyển nhượng là trước 31/1/2018.

Như vậy, hai vụ chuyển nhượng cổ phiếu này vẫn ở "thì tương lai" tức là chưa chắc chắn có chuyển nhượng được hay không nhưng cổ phiếu công ty đã tăng trần chóng mặt.

Đặc biệt, đặt việc cổ phiếu tăng giá trong mối quan hệ giữa KPF và hai công ty trên có nhiều điểm khá bất thường.

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy, KPF có tổng tài sản khoảng 219 tỷ đồng, song toàn bộ tài sản dài hạn 159 tỷ đồng đều nằm ở công ty liên kết. Trong đó, KPF đầu tư 39,2 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Phú Gia Hà Nam, 39,3 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Hà và 44 tỷ vào Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Hà Nam.

Ngoài ra, công ty còn góp 23 tỷ vào Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia, 14 tỷ đồng vào Hợp tác xã Chân Lý.

Bỏ vốn lớn vào các công ty liên kết, song hoạt động kinh doanh của các công ty này khá mờ nhạt. Theo báo cáo tài chính năm 2016 ghi nhận, Công ty Phú Gia Hà Nam chỉ có doanh thu 609 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế 35 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Hà cũng chỉ có doanh thu 1,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Nông nghiệp Hà Nam thì vừa mới được thành lập tháng 4/2016, doanh thu vỏn vẹn 37 triệu đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 27 triệu đồng.

Một chi tiết đáng chú ý là Công ty Phú Gia Hà Nam và Đầu tư Tam Hà không chỉ nhận vốn đầu tư của KPF mà còn có vay mượn tiền của công ty này. 

Báo cáo tài chính cho thấy, KPF vẫn còn số dư phải thu về cho vay ngắn hạn 300 triệu đồng, phải thu dài hạn 5 tỷ đồng với Đầu tư Tam Hà và phải thu dài hạn 5 tỷ đồng với Phú Gia Hà Nam.