Phó thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm chậm cổ phần hóa, thoái vốn
Đối với các trường hợp không hoàn thành đúng kế hoạch năm 2018 đã được phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức cá nhân
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo liên quan đến tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp năm 2018; nhiệm vụ, giải pháp năm 2019.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc theo quy định; tiến độ triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đã được Thủ tướng phê duyệt; khẩn trương trình Thủ tướng Quy chế tài chính, Đề án cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đối với địa phương, Phó thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và Tp.HCM chủ động chuẩn bị các công việc liên quan để có thể triển khai ngay và có kết quả kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn sau khi được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh; đẩy nhanh việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn.
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát tình hình triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn để xác định rõ thời gian hoàn thành, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/1/2019 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm, không thực hiện nội dung này.
Đối với các trường hợp không hoàn thành đúng kế hoạch năm 2018 đã được phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan.
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, thực hiện bàn giao phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, quyết toán công tác cổ phần hóa, xác định số phải nộp và nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đại diện phần vốn, các tổ chức cá nhân liên quan trong việc chậm, không thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Phó thủ tướng cũng giao các Bộ ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 chưa hoàn thành và theo kế hoạch năm 2019; rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030", trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2019.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, rà soát cơ chế, chính sách pháp luật về thuế và các cơ chế, chính sách khác liên quan đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quý 4/2019; nghiên cứu, trình Chính phủ Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong quý 3/2019.
Bộ Công Thương rà soát, đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất việc chuyển giao các doanh nghiệp, dự án theo Quyết định này về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương trong tháng 2/2019.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, năm 2018, cả nước có 32 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ còn giữ 58,44% tổng vốn điều lệ. Tính tới hết năm, các bộ, địa phương bán cổ phần lần đầu 30 doanh nghiệp, thu về hơn 24.250 tỷ đồng với nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như: Tập đoàn Cao su, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Điện lực Dầu khí...
Cùng với cổ phần hóa, Nhà nước cũng thu về hơn 16.000 tỷ đồng tiền thoái vốn, cao hơn 2,58 lần giá trị sổ sách.
Tổng thu từ cổ phần hoá, thoái vốn trong năm 2018 đạt hơn 40.300 tỷ đồng. Lũy kế 3 năm 2016- 2018, tổng số thu này đạt hơn 210.000 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần tổng thu của cả giai đoạn 2011- 2015.
Tuy nhiên, theo kế hoạch của 2018, hiện vẫn còn 53 doanh nghiệp chưa được cổ phần hóa, 118 doanh nghiệp chưa được thoái vốn. Đặc biệt, Tp.HCM và Hà Nội có 50 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa; các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng cũng gặp vướng mắc khi liên quan tới quản lý đất đai.