10:16 11/01/2023

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Kinh tế Việt Nam 2023 có cơ hội, thách thức đan xen

Nhật Dương

Vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam là cần có cách tiếp cận tổng thể, phân tích, dự báo sát tình hình, chủ động đưa ra các kịch bản, giải pháp trọng tâm cả trước mắt và lâu dài, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, vượt qua thách thức...

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh - Chu Xuân Khoa.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh - Chu Xuân Khoa.

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sáng 11/1, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá chủ đề của Diễn đàn có những nội dung rất đặc biệt, nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan hoạch định chiến lược, các chuyên gia.

Chủ đề cũng có cách tiếp cận mới, riêng biệt, bởi lẽ, nguồn lực có hạn nhưng sự sáng tạo là vô hạn. Vì vậy, đây cũng trở thành phương châm, cách tiếp cận mới trong chủ trương phát triển kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra hồi tháng 12/2022 và các diễn đàn kinh tế gần đây của Chính phủ đã làm rõ các kết quả đạt được, khi hoàn thành 14/15 các chỉ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chuyên gia cũng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 có những cơ hội nhưng cũng có những khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Những yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta.

“Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các yếu tố khác”, ông Nguyễn Đức Hiển thông tin.

Bên cạnh đó, hiện nay trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm 6 nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 6 nước này và Hồng Kông được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn, vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Tiếp đến, trong 10 quốc gia chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.

Về vấn đề đầu tư, trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023 thì các đối tác còn lại gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.

"Như vậy, rõ ràng các con số này phản ánh những tác động của suy thoái toàn cầu nói chung cũng như các nền kinh tế sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam",  Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh. 

Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là cần có cách tiếp cận tổng thể, phân tích, dự báo sát tình hình, chủ động đưa ra các kịch bản, giải pháp trọng tâm cả trước mắt và lâu dài, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó vượt qua thách thức. 

Cũng theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, hiện nay, định hướng dài hạn là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song đây cũng là yêu cầu đặt ra để tăng tính tự chủ của nền kinh tế.

Nhất là khi 4/5 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn phụ thuộc chính vào các doanh nghiệp FDI, 12/24 các ngành công nghiệp chính có số doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn nên giá trị gia tăng mang lại cho Việt Nam chưa cao.

Trong khi đó, FDI chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng tổng giá trị của ngành công nghiệp chiếm trên 50%. "Như vậy, yêu cầu đặt ra là cần có tiếp cách tiếp cận đầy đủ hơn, tối ưu hóa nguồn lực không chỉ là dựa vào nhân lực, tài chính mà còn là nguồn lực về đất đai, các điều kiện về thể chế, chính sách để thực sự tạo ra sự tăng trường mới trong năm 2023",  Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói. 

Đồng thời, năm 2023 cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là năm bản lề mà còn giúp tạo dựng nền tảng trong phát triển kinh tế xã hội trong trung và dài hạn, nhất là trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030.