10:24 10/08/2013

Phố Wall khép tuần tệ nhất trong khoảng 2 tháng

Thanh Hải

Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 1,5%, S&P 500 giảm 1,1% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,8%

Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của thị trường chứng khoán Mỹ trong
 tuần này, đều xuất phát từ những phát biểu mập mờ của giới chức Cục Dự 
trữ Liên bang Mỹ - Ảnh: AP.<br>
Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này, đều xuất phát từ những phát biểu mập mờ của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Ảnh: AP.<br>
Thị trường chứng khoán Mỹ đã khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tuần này với kết quả giảm điểm của cả ba chỉ số chính. Cùng với sự đi xuống liên tiếp vài ngày trước đó, Phố Wall đã có tuần kém nhất kể từ tháng 6.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này, đều xuất phát từ những phát biểu mập mờ của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), xung quanh thời điểm ngân hàng trung ương này tiến hành thu hẹp quy mô thực hiện các biện pháp nới lỏng định lượng, bao gồm kế hoạch thu mua trái phiếu hàng tháng.

Mở đầu cuộc tranh luận này, hôm 6/8, khi trả lời Market News International, Chủ tịch FED khu vực Atlanta, ông Dennis Lockhart cho biết FED có thể bắt đầu thu nhỏ quy mô chương trình kích thích kinh tế sớm nhất từ tháng 9, nhưng cũng có thể lâu hơn nữa nếu như kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm nay không trở thành hiện thực.

Phát biểu không lâu sau ông Dennis Lockhart, Chủ tịch FED khu vực Chicago, ông Charles Evans cũng nói rằng, ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ giảm dần tốc độ thực hiện các chương trình hỗ trợ kinh tế, bao gồm kế hoạch thu mua trái phiếu hàng tháng trị giá 85 tỷ USD, vào cuối năm nay hoặc có thể ngay trong tháng tới, tùy theo tình hình kinh tế.

Tiếp đó, chuyển sang ngày 7/8, Chủ tịch FED khu vực Cleveland, Sandra Pianalto, nói rằng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chuẩn bị thu hẹp những chương trình thu mua tài sản nếu như thị trường lao động nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là một phát biểu mập mờ nữa của giới chức ngân hàng trung ương Mỹ về biện pháp nới lỏng định lượng.

Tới cuối ngày 8/8, Richard Fisher, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang khu vực Dallas, một lần nữa cho biết, ngân hàng trung ương nước này có thể bắt đầu giảm dần quy mô những chương trình thu mua trái phiếu ngay trong tháng tới. Tất nhiên, việc này sẽ tùy thuộc vào kinh tế Mỹ có tiếp tục hồi phục không, tương tự như những tuyên bố khác trước đó.

Theo giới phân tích, những tuyên bố không rõ ràng của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tạo ra một đám mây mù về triển vọng của nền kinh tế Mỹ nói chung và những xu hướng trên thị trường chứng khoán nước này nói riêng. Vô hình trung, điều này đã đẩy giới đầu tư chứng khoán vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, không biết phải xử lý thế nào.

Trong một bối cảnh như vậy, việc thiếu những thông tin có lợi về kết quả kinh doanh quý 2 từ các tập đoàn kinh tế Mỹ sẽ khiến thị trường Mỹ khó giữ được xu thế đi lên. Phiên 8/8, thị trường đảo chiều thành công nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu Microsoft, song tới phiên giao dịch ngày 9/8, lực đỡ từ cổ phiếu công nghệ này không còn đủ mạnh như trước.

Tính tới hết phiên giao dịch ngày hôm qua, đã có 446 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong quý 2/2013. Theo số liệu thống kê của Thomson Reuters, 68% số doanh nghiệp này đã có kết quả lợi nhuận vượt mọi kỳ vọng của giới phân tích, nhỉnh hơn 1% so với mức trung bình trong vòng 4 quý liên tiếp gần đây.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones quay đầu giảm 72,81 điểm, tương ứng với mức 0,47%, xuống còn 15.425,51 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng đảo ngược tình hình một ngày trước khi giảm 6,06 điểm, tương ứng 0,36%, xuống 1.691,42 điểm. Nasdaq Composite hạ 9,02 điểm, tương ứng với 0,25%, xuống còn 3.660,11 điểm.

Tính chung cả tuần, các chỉ số chính đều giảm mạnh nhất kể từ trung tuần tháng 6 cho tới nay. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,5%, chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng điểm liên tục. Chỉ số S&P 500 giảm 1,1% trong tuần và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,8%. Trong khi tuần trước, cả Dow Jones và S&P 500 đều đóng cửa tại mức cao kỷ lục.

Đà giảm của thị trường hôm qua còn dãn rộng hơn vào cuối phiên, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ đưa ra quyết định về việc đề cử ai lên giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang trong mùa thu này. Dự kiến Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đương nhiệm Ben Bernanke sẽ kết thúc nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai của ông vào 31/1/2014.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường hôm qua tiếp tục ở mức thấp, với khoảng 5,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,36 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ cổ phiếu giảm điểm/ tăng điểm ở sàn New York là 15/14, còn trên sàn Nasdaq là 3/2.

Thị trườngChỉ sốĐóng cửa+/- (điểm)+/- (%)
MỹDow Jones15.425,51-72,81-0,47
S&P 5001.691,42-6,06-0,36
Nasdaq3.660,11-9,02-0,25
AnhFTSE 1006.583,39+53,71+0,82
PhápCAC 404.076,55+12,23+0,30
ĐứcDAX8.338,31+19,99+0,24
Nhật BảnNikkei 22513.615,19+9,63+0,07
Hồng KôngHang Seng21.807,56+151,68+0,70
Trung QuốcShanghai Composite2.052,24+7,34+0,36
Đài LoanTaiwan Weighted7.856,14-51,53-0,65
Hàn QuốcKOSPI Composite1.880,71-3,26-0,17
SingaporeStraits Times3.229,91+5,02+0,16
Nguồn: CNBC, Market Watch.