07:30 21/01/2009

Phố Wall sụt giảm trong ngày Obama nhậm chức

Duy Cường

Ngày 20/1, giới đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu, đẩy chứng khoán Mỹ sụt giảm từ 4-5,8% trong ngày Obama lên nhậm chức

Với 30/30 cổ phiếu cùng giảm điểm từ 0,3% đến 28,97%, chỉ số Dow Jones chính thức mất mốc 8.000 điểm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 20/11/2008 - Nguồn: Reuters.
Với 30/30 cổ phiếu cùng giảm điểm từ 0,3% đến 28,97%, chỉ số Dow Jones chính thức mất mốc 8.000 điểm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 20/11/2008 - Nguồn: Reuters.
Ngày 20/1, giới đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu, đẩy chứng khoán Mỹ sụt giảm từ 4-5,8% trong ngày Obama lên nhậm chức.

Gần 2 triệu người ủng hộ đã có mặt ở Washington DC - kéo dài hai dặm từ đồi Capitol đến khu tưởng niệm Lincoln bên bờ sông Potomac, từ dọc đại lộ Pennsylvania tới Nhà Trắng, để chứng kiến lễ nhậm chức của vị tổng thống thứ 44 của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ. Buổi lễ được tổ chức trang trọng với đầy đủ các vị quan khách quan trọng, trong đó có sự xuất hiện của nguyên Tổng thống Carter, Clinton và George W. Bush...

Trong bài phát biểu của mình, tân Tổng thống Obama nói: “Hôm nay, tôi nói với các bạn rằng những thách thức chúng ta đang đối mặt là có thực. Chúng rất nguy hiểm và xuất hiện ở nhiều phía. Thách thức sẽ không được giải quyết dễ dàng hay trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng nước Mỹ biết điều này, thách thức sẽ được giải quyết”.

Khi ông Obama xuất hiện trước công chúng, chỉ số Dow Jones đang giảm 1,5%, chỉ số S&P 500 giảm 2,2%. Khi buổi lễ kết thúc lúc 12h40’ (giờ địa phương), chỉ số Dow Jones mất 2%, còn chỉ số S&P 500 hạ 2,9%. Sau đó thị trường tiếp tục xu hướng giảm điểm và gia tăng biên độ giảm vào cuối ngày giao dịch.

Chỉ số Dow Jones xuống dưới 8.000 điểm

Ngày 20/1, Tập đoàn Johnson & Johnson thông báo doanh thu trong quý 4/2008 của hãng đã giảm 4,9% xuống 15,2 tỷ USD - trong đó doanh thu từ bán hàng dược phẩm giảm 11% xuống 5,69 tỷ USD, doanh thu từ hàng tiêu dùng tăng 1,2% lên 3,86 tỷ USD.

Lợi nhuận sau thuế đạt 2,71 tỷ USD, tương đương 97 cent/cổ phiếu, cao hơn mức 2,37 tỷ USD (82 cent/cổ phiếu) trong năm 2007.

Tập đoàn Johnson & Johnson cũng cho biết, lợi nhuận sau thuế năm 2009 sẽ đạt 4,45 tỷ USD đến 4,55 tỷ USD.

Liên quan đến Bank of America, tờ “Financial Times” cho biết Bank of America có thể sẽ cắt giảm 4.000 việc làm ở đơn vị quản lý quỹ trong tuần này. Tuần trước, Chính phủ Mỹ đã phải bơm trực tiếp cho Bank of America 20 tỷ USD và bảo lãnh cho lượng tài sản trị giá 118 tỷ USD.

Tập đoàn dịch vụ tài chính - State Street thông báo lợi nhuận ròng của hãng trong quý 4/2008 đạt 65 triệu USD, tương đương 15 cent/cổ phiếu – giảm mạnh so với mức lãi 223 triệu USD (57 cent/cổ phiếu) của quý 4/2007. Tính đến cuối năm 2008, State Street quản lý 1.440 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán Mỹ đã có ngày tồi tệ nhất trong vòng 2 tháng qua do sự sụt giảm gần 20% của cổ phiếu khối tài chính trước nhiều nỗi lo của hệ thống ngân hàng trên toàn cầu. Nhiều ngân hàng lớn đã phải cần sự hậu thuẫn của chính phủ trước những khoản thua lỗ khổng lồ, trong đó phải kể đến Royal Bank of Scotland (Anh).

Chỉ số S&P Tài chính đã giảm gần 17% trong ngày giao dịch, trong đó cổ phiếu JPMorgan Chase (JPM) mất 20,73%; cổ phiếu Citigroup hạ 20% xuống 2,8 USD/cổ phiếu; cổ phiếu Bank of America (BAC) sụt giảm 28,97% xuống 5,1 USD/cổ phiếu - mức giảm mạnh nhất của chỉ số Dow Jones; cổ phiếu State Street trượt 59,04%; Goldman Sachs hạ 18,96%; Morgan Stanley giảm 15,97%...

Mức giảm tồi tệ cũng xảy ra với khối công nghệ khi cổ phiếu Apple hạ 4%, cổ phiếu Microsoft mất 6,2%, cổ phiếu Intel trượt 6,4%...

Sau phiên giảm điểm mạnh này, với 30/30 cổ phiếu cùng giảm điểm từ 0,3% đến 28,97%, chỉ số Dow Jones chính thức mất mốc 8.000 điểm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 20/11/2008.
Phố Wall sụt giảm trong ngày Obama nhậm chức - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến giá cổ phiếu BAC, JPM và ba chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ trong ngày 20/1 - Nguồn: G.Finance

Kết thúc ngày giao dịch: chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 332,13 điểm, tương đương -4,01%, đóng cửa ở mức 7.949,09.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 88,47 điểm, tương đương -5,78%, chốt ở mức 1.440,86.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 44,9 điểm, tương đương -5,28%, đóng cửa ở mức 805,22.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,72 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 9 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,02 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

* Kết thúc ngày giao dịch, IBM công bố doanh thu quý 4/2008 của hãng đạt 27 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt 4,43 tỷ USD, tương đương 3,28 USD/cổ phiếu – cao hơn mức 3,95 tỷ USD (3,03 USD/cổ phiếu) trong quý 4/2007. Sau giờ giao dịch chính thức, cổ phiếu của IBM đã tăng thêm 4,5% sau khi mất 3,5%.

Chứng khoán châu Âu xuống mức thấp nhất trong 2 tháng

Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm ngày thứ hai trong tuần do tác động từ sự sụt giảm của cổ phiếu khối ngân hàng và ôtô. Sau nhiều ngày giảm điểm kể từ đầu năm tới này, chứng khoán châu Âu chính thức xuống ngưỡng thấp nhất trong 2 tháng qua.

Cổ phiếu Lloyds hạ 31%, cổ phiếu BNP Paribas giảm 13%, cổ phiếu Societe Generale trượt gần 14%; các cổ phiếu Swiss Re, Allianz, ING Groep giảm từ 5,8-13,5%.

Cổ phiếu Peugeot, Renault, BMW, Daimler, Porsche and Volkswagen giảm từ 1,3% đến 8,8%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 17,07 điểm, tương đương -0,42%, đóng cửa ở mức 4.091,4, khối lượng giao dịch đạt 2,7 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức mất 1,77%, khối lượng giao dịch phiên này đạt 31 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 2,15%, khối lượng giao dịch đạt 161 triệu cổ phiếu.

Bất ổn khối ngân hàng, chứng khoán châu Á chìm sâu

Ngân hàng Hoàng Gia Scotland (RBS) đã gây rúng động khối ngân hàng thế giới khi ngân hàng này công bố thua lỗ tới 41,3 tỷ USD và buộc Chính phủ Anh tiếp tục bơm thêm tiền và nâng mức sở hữu từ 58% lên 70%.

Với thông tin xấu đó, cổ phiếu RBS đã mất hơn 64% và nhiều cổ phiếu khối ngân hàng châu Âu cũng giảm mạnh.

Những lo lắng về bất ổn của khối ngân hàng ở Mỹ trước đó lại được thổi bùng lên bởi cái tên RBS. Điều này khiến cổ phiếu khối ngân hàng châu Á cùng chung cảnh ngộ khi giảm điểm với biên độ lớn, qua đó kéo thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh trong ngày giao dịch.

Chứng khoán Nhật đã giảm điểm trong ngày 20/1 do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của cổ phiếu khối tài chính. Bên cạnh đó đồng Yên lên giá so với USD, Euro đã thúc đẩy giới đầu tư tăng mạnh bán cổ phiếu khối xuất khẩu lớn, qua đó kéo thị trường đi xuống.

Đồng USD giảm 0,3% và đồng Euro mất 0,7% so với Yên Nhật nên đã kéo cổ phiếu khối các nhà xuất khẩu giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Toshiba mất 3,7%, cổ phiếu Sony hạ 2,6%, cổ phiếu Advantest giảm 6,6%...

Ngược với xu hướng giảm điểm của nhiều hãng xuất khẩu lớn, cổ phiếu của Toyota đã tăng 2,3% sau khi Tập đoàn thông báo ông Akio Toyoda – Phó chủ tịch Toyota, được bổ nhiệm là Chủ tịch Tập đoàn này.

Cổ phiếu khối ngân hàng trong ngày được xem là nguyên nhân cơ bản nhất kéo thị trường đi xuống, trong đó cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group xuống 2,9%, cổ phiếu Mizuho Financial Group trượt 6,2%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group mất 3,8%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 191,06 điểm, tương đương -2,31%, chốt ở mức 8.065,79. Khối lượng giao dịch đạt 1,7 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Chuyển qua thị trường khác, ngày 20/1, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ của Hồng Kông đã ký một hợp đồng hoán đổi tiền tệ trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong thời hạn 3 năm để giúp Hồng Kông cải thiện tình hình tài chính.

Việc thực hiện hợp đồng này là một trong các biện pháp hỗ trợ của đại lục đối với Hồng Kông để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định hệ thống tài chính thành phố. Hiện dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 1.950 tỷ USD còn Hồng Kông là 182,5 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu khối ngân hàng đã giảm mạnh, kéo thị trường giảm đểm với biên độ lớn, trong đó cổ phiếu HSBC niêm yết trên sàn Hồng Kông giảm 6,6%, cổ phiếu Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) giảm 5,5%, cổ phiếu Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc hạ 3,3%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm 380,22 điểm, tương đương 2,85 %, chốt ở mức 12,959.77.

Chỉ số Straits Times của Singapore đã giảm 1,79% do sự giảm điểm của khối ngân hàng, trong đó cổ phiếu DBS Group hạ 2%, cổ phiếu Oversea-Chinese Banking mất 2,3%, cổ phiếu United Overseas Bank trượt 3,8%.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 2,83%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ trượt 2,55%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 2,07%. Chỉ số ASX của Australia mất 3%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.281,22 7.949,09  Down332,13 Down4,01
Nasdaq 1.529,33 1.440,86 Down  88,47 Down5,78
S&P 500 850,12 805,22 Down  44,90 Down5,28
Anh FTSE 100 4.108,47 4.091,40 Down  17,07 Down0,42
Đức DAX 4.316,14 4.239,85 Down  76,29 Down1,77
Pháp CAC 40 2.989,69 2.925,28  Down  64,41 Down2,15
Đài Loan Taiwan Weighted 4.366,76 4.242,61 Down124,15 Down2,84
Nhật Nikkei 225 8.256,85 8.065,79 Down191,06  Down2,31
Hồng Kông Hang Seng 13.339,99 12.959,77  Down380,22 Down2,85
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.150,65 1.126,81 Down  23,84 Down2,07
Singapore Straits Times 1.742,29 1.715,74 Down  31,25 Down1,79
Trung Quốc Shanghai Composite 1.986,67 1.994,11 Up    7,43 Up0,37
Ấn Độ BSE 30 9.369,38 9.092,03 Down237,54 Down2,55
Australia ASX 3.531,00 3.425,00 Down106,00 Down3,00
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg