10:03 14/06/2007

PVI phát hành hơn 35 triệu cổ phiếu: Rủi ro và tiềm năng

Hải Bằng

Mục đích đợt phát hành này là nhằm tăng vốn điều lệ lên hơn 850 tỷ đồng và mở rộng đầu tư quy mô lớn

PVI sẽ sử dụng một phần vốn huy động vào dự án đóng tàu chở dầu.
PVI sẽ sử dụng một phần vốn huy động vào dự án đóng tàu chở dầu.
Ngày 22/6, tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), vốn điều lệ 500 tỷ đồng sẽ tổ chức bán đấu giá 10 triệu cổ phiếu ra công chúng, đồng thời phát hành hơn 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Mục đích đợt phát hành này là nhằm tăng vốn điều lệ lên hơn 850 tỷ đồng và mở rộng đầu tư quy mô lớn, nhất là đầu tư vào dự án đóng mới 3 tàu chở dầu thô loại Aframax của PV Trans.

Tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán lần này của PVI là 35.135.050 cổ phiếu, trong đó:

- Bán cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tỷ lệ 2 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với 19 triệu cổ phiếu;

- Bán cho cán bộ công nhân viên của tổng công ty với tỷ lệ 1 cổ phiếu mua ưu đãi cũ theo phương án cổ phần hoá của PVI được mua 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với 270.100 cổ phiếu;

- Bán cho cổ đông hiện hữu (không bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và phần mua ưu đãi của cán bộ công nhân viên theo phương án cổ phần hoá) với tỷ lệ 2 cổ phiếu cũ được mua 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với 5.864.950 cổ phiếu;

- Bán đấu giá ra công chúng 10 triệu cổ phiếu thông qua Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, giá khởi điểm đấu giá là 50.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài được quyền đặt mua toàn bộ 10 triệu cổ phiếu.

Vốn điều lệ hiện tại của PVI là 500 tỷ đồng, cơ cấu vốn điều lệ tại thời điểm 28/3/2007 như sau: cổ đông sáng lập (cổ đông Nhà nước - Tập đoàn Dầu khí) chiếm 76%, cổ đông phổ thông chiếm 24% (cán bộ công nhân viên chiếm 0,54% và cổ đông bên ngoài nắm giữ 23,46%, trong đó Công ty Tài chính Dầu khí nắm giữ 5,79%), không có cổ đông nước ngoài. Vốn điều lệ sau khi phát hành là 851.350.500.000 đồng.

Đây là đợt tăng vốn lần 1 của PVI trong năm 2007, dự kiến PVI sẽ tiếp tục thực hiện tăng vốn đợt 2 từ 851.350.500.000 đồng lên 1.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược trong nửa cuối năm 2007 theo đúng Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thành lập.

Cổ đông được quyền mua từ đợt tăng vốn thứ 2 này là cổ đông theo danh sách chốt hưởng quyền mua cổ phiếu của đợt 1. Cổ phiếu phát hành từ đợt tăng vốn lần thứ nhất này sẽ không được hưởng quyền mua cổ phiếu của đợt 2 trong năm 2007.

Mục đích phát hành lần này của PVI để góp vốn hợp tác đầu tư cho dự án đóng mới 03 tàu chở dầu thô loại Aframax của PV Trans (dự kiến phần vốn góp của PVI khoảng 525,7 tỷ đồng) và cùng góp vốn các tổng công ty trong và ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thành lập các công ty như Tài chính Vinaconex, Tài chính Sông Đà, làm cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản PVI, Công ty Quản lý quỹ PVI... (dự kiến khoảng 300 tỷ đồng).

Theo nhận định của lãnh đạo PVI, khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.

Ngay tại thị trường trong nước, xu hướng giao thoa giữa ngân hàng, bảo hiểm bắt đầu thể hiện rõ trong năm 2006, càng tăng thêm các đầu mối cung cấp dịch vụ, cạnh tranh ngày càng lớn. Nhiều ngân hàng đã và đang khởi động kế hoạch “lấn sân” trên thị trường.

Ngành kinh doanh bảo hiểm là một ngành mới đối với Việt Nam, vì vậy, nhận thức của người dân vẫn còn thấp, chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm bảo hiểm. Đây là yếu tố tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh của ngành bảo hiểm nói chung trong đó có PVI. Thêm vào đó, nếu quy trình quản lý không tốt sẽ dễ xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm. Đây là rủi ro thường nhật mà đối với ngành bảo hiểm.

Đợt chào bán cổ phiếu của PVI sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường, do vậy, giá cổ phiếu PVI có khả năng bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ cung cầu trên thị trường. Ngoài ra, dự án góp vốn đóng mới 3 tàu được tài trợ bằng nguồn vốn thu được từ đợt chào bán có thể chịu rủi ro như chậm tiến độ, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn của PVI.

Bảo hiểm là một ngành dịch vụ tài chính mang tính toàn cầu, rủi ro bảo hiểm không giới hạn trong phạm vi một nước. Hoạt động bảo hiểm phải thực hiện tái bảo hiểm để phân tán rủi ro và cùng nhau gánh chịu tổn thất xảy ra. Thị trường bảo hiểm các nước chịu sự tác động lẫn nhau vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau.

Hơn nữa, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ tạo ra cơ hội và thách thức đòi hỏi thị trường bảo hiểm phải gia tăng năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất cao, không những đối với những doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động, mà còn đối với cả những doanh nghiệp sắp hoạt động. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và phong cách quản lý hiện đại sẽ là những đối thủ cạnh tranh thực sự đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.