10:35 09/01/2023

Quản chặt truyền hình xuyên biên giới

Nam Anh

Cùng với Nghị định 131 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành để sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm về điện ảnh, được xem là những hành lang pháp lý quan trọng để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo. Nghị định 128/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2023.

NGOÀI MỨC PHẠT TIỀN SẼ BUỘC PHẢI GỠ BỎ PHIM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Căn cứ Luật điện ảnh 2022, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành để sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm về điện ảnh, trong đó có các hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.

Theo đó, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10, mục I, chương II của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo. Trong đó, tại khoản 7 Điều 10 mục I, chương II quy định về Phạt tiền đối với một trong các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng.

Cụ thể, các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, tùy mức độ hành vi vi phạm. Mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi không thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim theo quy định; từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi không triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm theo quy định.

Mức phạt tiền cao nhất từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi: Không bảo đảm một trong các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định; Không thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim, để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm theo quy định; Không ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định của pháp luật khác có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, hành vi không thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim theo quy định sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng;

Cùng với các mức phạt tiền sẽ bị áp dụng, biện pháp khắc phục hậu quả mà các đối tượng vi phạm phải thực hiện là buộc phải gỡ bỏ phim trên không gian mạng.

THÚC ĐẨY THỊ TRƯỜNG TRUYỀN HÌNH TRẢ TIỀN TRONG NƯỚC PHÁT TRIỂN

Với Nghị định 131, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, quy định cụ thể 15 nội dung của Luật Điện ảnh mới, trong đó có nội dung về điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng. Theo đó, cùng với việc quy định rõ 3 điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng, Nghị định 131 cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

Trước đó, đầu tháng 10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 năm 2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Nghị định 71 đảm bảo quản lý phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết trong vài năm qua, xu hướng xem các nội dung truyền hình trên Tivi thông minh qua các ứng dụng truyền hình Internet của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình Internet ngày càng trở nên phổ biến. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều mẫu mã, chủng loại Tivi thông mình do nhiều hãng sản xuất và phân phối, như: Sony, Samsung, LG, TCL, Casper, Panasonic,…

Với tính năng tùy biến giao diện hệ điều hành, tivi thông minh thường được cài đặt sẵn một số ứng dụng xem truyền hình trên giao diện trang chủ màn hình, như Netflix, FPT Play, TV360, AmazonTV, Fim+, Youtube….. Việc cài đặt sẵn các ứng dụng xem truyền hình giúp tăng trải nghiệm, hướng đến việc tối ưu hóa nhu cầu thưởng thức và người xem truyền hình dễ dàng tiếp cận các nội dung theo yêu cầu cá nhân.

Tuy nhiên, nhiều ứng dụng xem truyền hình cài đặt sẵn nêu trên và cả các ứng dụng được tích hợp thành phím bấm trên điều khiển tivi thông minh là các ứng dụng chưa được phép hoạt động tại Việt Nam. Trên các ứng dụng này đang tồn tại nhiều nội dung xấu, độc hại không phù hợp văn hoá Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng người xem là trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.

Để phổ biến các quy định pháp luật, hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, phân phối tivi thông minh tại thị trường Việt Nam nắm bắt và có kế hoạch tuân thủ các quy định mới tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, ngày 31/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 6272/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất tivi thông minh yêu cầu các doanh nghiệp rà soát tính pháp lý của các ứng dụng xem truyền hình đang cài đặt sẵn trên trang chủ màn hình sản phẩm hoặc đã tích hợp thành phím bấm trên điều khiển để đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất tivi có kế hoạch sẵn sàng cài đặt trên trang chủ màn hình và tích hợp phím bấm truy cập ứng dụng xem truyền hình số quốc gia trên tivi thông minh khi cơ quan có thẩm quyền chính thức phê chuẩn và công bố. Việc này để cụ thể hoá các định hướng tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cho rằng khi Nghị định số 71/2022/NĐ-CP chính thức đi vào thực tiễn cuộc sống từ 1/1/2023, hoạt động quản lý nhà nước đối với các ứng dụng xem truyền hình trên mạng Internet sẽ được đẩy mạnh, đảm bảo các nội dung trên ứng dụng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận các nội dung thông tin văn hóa, xã hội, giải trí truyền hình lành mạnh.