17:23 12/08/2019

Quảng Bình nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển

Minh Hiếu

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, 6 tháng đầu năm 2019 đã giải quyết việc làm cho khoảng 18.300 lao động (đạt 50,08% kế hoạch năm)

Những mô hình chuyển đổi sinh kế bước đầu thích ứng với tình hình thực tế và đặc thù địa phương, mang lại thu nhập cho bà con; đồng thời giải quyết việc làm cho trên 9.500 lao động tại các địa phương vùng biển.
Những mô hình chuyển đổi sinh kế bước đầu thích ứng với tình hình thực tế và đặc thù địa phương, mang lại thu nhập cho bà con; đồng thời giải quyết việc làm cho trên 9.500 lao động tại các địa phương vùng biển.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt đối với lao động thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Qua đó, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống của người lao động trong tỉnh, góp phần tích cực vào việc ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, 6 tháng đầu năm 2019 đã giải quyết việc làm cho khoảng 18.300 lao động (đạt 50,08% kế hoạch năm), trong đó tạo việc làm cho khoảng 9.700 lao động (đạt 51,05% kế hoạch năm); xuất khẩu lao động khoảng 1.700 người (đạt 51,37% kế hoạch năm), chủ yếu là đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc (chiếm khoảng 62% lao động xuất cảnh).

Để có được kết quả đó, ông Phạm Thành Đồng, Phó gám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hộ tỉnh Quản Bình, cho hay, ngay từ đầu năm, Sở đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm cho các doanh nghiệp; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộ xem xét, quyết định cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc làm và xuất khẩu lao động; tổ chức tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm với 11.936 lượt người lao động được tư vấn, 2.148 lượt người được giới thiệu việc làm, 169 người xuất khẩu lao động. Ngoài ra, công tác giáo dục nghề nghiệp được thực hiện có hiệu quả, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh 5.042 người, trong đó Cao đẳng 32 người, Trung cấp 134 người, Sơ cấp 3.354 người, dưới 3 tháng 1.522 người và đã tốt nghiệp tất cả 3.181 người.

Là địa phương có phạm vi thiệt hại rộng, nhiều đối tượng với khối lượng và giá trị thiệt hại lớn (chiếm hơn 40% tổng thiệt hại của 04 địa phương bị ảnh hưởng), ông Phạm Thành Đông cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đã được tỉnh triển khai kịp thời, đạt hiệu quả, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững.

"Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg, Quyết định số 309/QĐ-TTg và Công văn số 1826/TTg-NN. Công tác ổn định đời sống, sinh kế cho người dân được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thủy sản đã trở lại bình thường; hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ", ông Phạm Thành Đồng nói.

Nói về vấn đề này, Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình chia sẻ, hầu hết ngư dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các địa phương sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ đã tái đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế.

Thực tế việc chuyển đổi sinh kế cho người dân cũng đã được các cấp ủy, chính quyền các địa phương Quảng Bình quan tâm, hỗ trợ nhằm tìm những mô hình, hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Nhờ vậy, những mô hình chuyển đổi sinh kế bước đầu thích ứng với tình hình thực tế và đặc thù địa phương, mang lại thu nhập cho bà con; đồng thời giải quyết việc làm cho trên 9.500 lao động tại các địa phương vùng biển.

Với mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng có thể tiếp cận được với nguồn lao động và ngược lại, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo, các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối thông tin thị trường lao động.

Vào ngày 12 và 16 hàng tháng, Trung tâm thường tổ chức phiên giao dịch định kỳ và thực hiện trên 20 phiên giao dịch lưu động tại các địa phương, thu hút gần 200 lượt doanh nghiệp tham gia. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lao động và người lao động đã có cơ hội được gắn kết với nhau, nhiều lao động tìm được việc làm ổn định, các doanh nghiệp tìm được lao động phù hợp với yêu cầu.

"Hoạt động sàn giao dịch việc làm đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động tại địa phương phát triển, thu hút đông đảo các cấp, ngành tham gia và trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà tuyển dụng cũng như người tìm việc. Đây còn là một trong những căn cứ để các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo nghề nắm bắt sát tình hình cung cầu lao động trên thị trường nhằm có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động trong tỉnh", ông Nguyễn Thanh Phương khẳng định.