17:45 17/06/2024

Quảng Nam đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn gỡ vướng tại 2 mỏ đá

Thanh Xuân

UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đá xây dựng tại 2 mỏ đá trên địa bàn tỉnh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mỏ đá xây dựng Tây Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản lần đầu cho Công ty TNHH Rạng Đông, tại Quyết định 2386/QĐ-UB ngày 8/12/1998, với diện tích 12,42 ha; trữ lượng đá được khai thác là 6.048.500m3; công suất khai thác 30.000m3/năm; thời hạn đến tháng 12/2003.

Sau đó, tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác thêm 3 lần. Trong đó, lần 3 gia hạn và điều chỉnh công suất khai thác tại Quyết định 2087/QĐ-UBND ngày 4/7/2013, với diện tích khu vực mỏ khoảng 13,34 ha; trữ lượng đá còn lại được phép khai thác 5.384.279m3; công suất 80.000m3/năm; thời hạn đến hết 30/4/2023 (thực tế tới tháng 4/2023, mới chỉ khai thác 782.866m3 đá xây dựng).

Nhưng đến năm 2018, do triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có ảnh hưởng đến việc nổ mìn khai thác mỏ, UBND tỉnh yêu cầu Công ty cắt giảm một phần diện tích khu vực mỏ (5,6ha); đồng thời, tổ chức thăm dò, đánh giá lại trữ lượng khoáng sản trong phần diện tích còn lại của mỏ là 7,7 ha.

Để tổ chức lại việc khai thác, Công ty tiến hành lập hồ sơ, thủ tục thăm dò khoáng sản; được UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò 1224/GP-UBND ngày 24/4/2019  và hợp đồng với đơn vị địa chất tổ chức thăm dò, đánh giá lại trữ lượng khoáng sản ở phần diện tích 7,7ha; được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản tại Quyết định 3964/QĐ-UBND ngày 5/12/2019, với tổng trữ lượng khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ này là  5.818.427m3.

Hiện, Công ty TNHH Rạng Đông đã lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định, và trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đối với diện tích 7,7ha, song vì có vướng mắc quy định pháp luật nên đến nay chưa được giải quyết.

Ngoài ra, còn mỏ đá khối phố Tân Phú, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho Công ty TNHH Thái Bình khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường, tại Quyết định 1810/QĐ-UB ngày 25/5/2005.

Tuy nhiên, năm 2017, Công ty cổ phần Minh Đạt Quảng Nam đã nhận chuyển nhượng lại quyền khai thác khoáng sản từ Công ty TNHH Thái Bình, được cấp phép khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp, xây dựng công trình. Trữ lượng đá được phép khai thác là 573.899m3, đất san lấp 85.946m3; công suất khai thác đá xây dựng 100.000m3 nguyên khối/năm; thời hạn tiếp tục khai thác khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ đến hết tháng 7/2023. Song, trữ lượng đá thực tế khai thác là 334.191m3 nguyên khối; trữ lượng đá còn lại chưa khai thác là 239.708m3 nguyên khối.

Hiện nay, Công ty cổ phần Minh Đạt Quảng Nam đã lập hồ sơ, thủ tục theo quy định và trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, để tiếp tục khai thác hết phần trữ lượng khoáng sản đá xây dựng còn lại (đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), nhưng do vướng mắc quy định của pháp luật nên cũng chưa được giải quyết.

Qua rà soát với trường hợp 2 mỏ đá xây dựng trên, đã hết thời hạn giấy phép khai thác được cấp, mà chưa khai thác hết trữ lượng khoáng sản của mỏ đã được cấp phép, UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tài Nguyên Môi trường về việc: UBND tỉnh có được cho phép gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép trước đó không? Có thông qua đấu giá lại quyền khai thác khoáng sản hay không?

Nếu không được, phải thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác tại 2 khu vực mỏ trên, vậy việc xử lý tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, do các doanh nghiệp đã nộp thực hiện theo cách nào, có hoàn trả lại cho doanh nghiệp được không?

Mặt khác, nếu đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp khác trúng đấu giá không sử dụng lại tài sản, máy móc, thiết bị, kinh phí của các doanh nghiệp được cấp phép trước đây, đã đầu tư vào mỏ, thì phải xử lý như thế nào để đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp?