08:55 21/10/2016

Quốc hội bắt đầu sửa Bộ luật Hình sự 2015

Nguyễn Lê

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015

Thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015
Thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015
Sáng 21/10, Thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Bộ trưởng cho biết, quan điểm của Chính phủ là sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế. Việc sửa đổi không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật đã được Quốc hội khóa 13 thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng bộ luật này.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, ông Long báo cáo.

Bỏ điều 292 vì bất bình đẳng

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này liên quan đến 141 điều của bộ luật, gồm 18 điều thuộc phần những quy định chung và 123 điều thuộc phần các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 1 điều.

Điều duy nhất được đề xuất bãi bỏ chính là điều 292 quy định về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Chính phủ lập luận, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại bộ luật, có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội “kinh doanh trái phép" trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng".

Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng điều 292 chỉ đề cập đến một số ngành nghề. Thêm vào đó, cũng các lĩnh vực kinh doanh được nêu tại điều 292 nhưng nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán.

Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ điều 292 đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này, Chính phủ trình bày.

Theo tờ trình, trong quá trình xây dựng dự án luật cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông là cần thiết nhằm góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh trên môi trường mạng; góp phần tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, cần xem xét thu hẹp phạm vi của tội phạm này cho phù hợp hơn, ít nhất là phải bao quát được hành vi kinh doanh sàn vàng trái phép hoặc kinh doanh đa cấp trái phép trên mạng, thu lợi bất chính lớn.

Chưa vội thông qua

Tán thành với Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, nhưng cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - đề nghị đến kỳ họp thứ ba của Quốc hội mới thông qua.

Vì, phải sửa đổi nhiều điều luật lớn nhưng hồ sơ lại gửi chậm nên đại biểu khó nghiên cứu sâu.

Ngoài ra, dự án luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường; danh mục hàng cấm; số lượng và chủng loại vũ khí quân dụng; việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy…

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị  Nga cho biết, tại phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp, vẫn còn một số bộ, ngành có quan điểm mâu thuẫn với nhau và khác với quan điểm của Chính phủ về một số nội dung….

Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. Việc tổ chức xin ý kiến nhân dân, chỉnh lý, tiếp thu dự án Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ được thực hiện trong thời gian 6 tháng.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều lần trong thời gian dài sau 7 năm chuẩn bị (bắt đầu việc soạn thảo từ năm 1993, phần Những quy định chung được thông qua năm 1997 và năm 1999 thông qua toàn bộ Bộ luật).

Nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó bảo đảm chất lượng, Chủ nhiệm Lê Thị Nga phản ánh lo ngại của Uỷ ban.

Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ trong cả ngày về dự án luật.