Quốc hội đồng ý bổ sung gần 20,7 nghìn tỷ đồng tăng vốn cho Vietcombank
Vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng, sau khi phát hành tăng thêm 27.666 tỷ đồng, vốn điều lệ của Vietcombank là 83.557 tỷ đồng, đạt mức cao nhất hệ thống hiện nay...
Chiều 30/11, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank.
Trước đó, Chính phủ đề xuất tăng vốn điều lệ cho Vietcombank từ các nguồn lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 trên với số tiền 27.666 tỷ đồng (để đảm bảo tỷ lệ làm tròn là 49,5%).
Phần lợi nhuận còn lại 36 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào các đợt phát hành sau). Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu là 20.695 tỷ đồng (làm tròn). Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietcombank.
Vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng. Như vậy, sau khi phát hành tăng thêm 27.666 tỷ đồng theo phương án được Quốc hội thông qua, vốn điều lệ của Vietcombank là 83.557 tỷ đồng, mức cao nhất trong hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay.
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc đầu tư, bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn nhà nước cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.
Từ 2014 – 2023, Vietcombank nộp tổng số ngân sách Nhà nước trên 71 nghìn tỷ đồng, trong đó phần thuế khoảng 53 nghìn tỷ đồng. Tính riêng 3 năm 2021 – 2023, con số nộp ngân sách khoảng 29 nghìn tỷ đồng, đứng đầu ngành ngân hàng và duy trì vị thế là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất nền kinh tế. Đáng chú ý, nguồn vốn mà Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ là từ phần lợi nhuận giữ lại hàng năm sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Do vậy, không ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách nhà nước, không gây áp lực lên cân đối ngân sách quốc gia. Ngoài ra, trong 5 năm (2020 – 2024), Vietcombank thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội trên 2.408 tỷ đồng".
(VnEconomy tổng hợp từ báo cáo số liệu Vietcombank và Ngân hàng Nhà nước)