Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận về gói kích cầu 900 tỷ USD
Đây sẽ là gói kích cầu lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ, sau gói kích cầu trị giá 2,3 nghìn tỷ USD thông qua hồi tháng 3 năm nay
Lãnh đạo Quốc hội Mỹ vào tối ngày Chủ nhật (20/12) theo giờ địa phương đã đạt thỏa thuận về một gói kích cầu trị giá 900 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang "tơi tả" vì đại dịch Covid-19. Theo dự kiến, cuộc bỏ phiếu về kế hoạch mà thị trường đã chờ đợi suốt mấy tháng qua này sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai.
Theo hãng tin Reuters, đây sẽ là gói kích cầu lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ, sau gói kích cầu trị giá 2,3 nghìn tỷ USD thông qua hồi tháng 3 năm nay. Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh đại dịch tăng tốc ở Mỹ, khiến hơn 214.000 người nhiễm bệnh mỗi ngày. Đến nay, đã có hơn 317.000 người ở Mỹ tử vong vì Covid-19.
"Cuối cùng, chúng tôi đã có được thỏa thuận giữa hai đảng về thứ mà đất nước đang cần", nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, phát biểu. Cuộc đàm phán kế hoạch kích cầu này đã diễn ra căng thẳng suốt mấy tháng qua, khiến giới đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu luôn trong tâm trạng "phập phồng".
Các nhà lãnh đạo của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nói rằng kế hoạch kích cầu mà họ vừa thỏa thuận sẽ hội đủ sự ủng hộ để được thông qua tại cả hai viện Quốc hội. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump ủng hộ dự luật kích cầu này và sẽ đặt bút ký thành luật ngay sau khi dự luật được Quốc hội phê chuẩn.
Dự kiến, gói kích cầu sẽ cấp 600 USD hỗ trợ trực tiếp cho mỗi người dân và 300 USD hỗ trợ hàng tuần cho mỗi người thất nghiệp. Kế hoạch sẽ dành nhiều tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, cấp thực phẩm miễn phí, hỗ trợ phân phối vaccine ngừa Covid-19… Kế hoạch cũng sẽ giúp người vay thế chấp nhà giãn thời hạn trả nợ và hỗ trợ tiền thuê nhà cho một số đối tượng.
Các nghị sỹ cho biết họ đã giải quyết được những mâu thuẫn về một chương trình cho vay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và những vấn đề khác khiến cuộc đàm phán phải kéo dài đến cuối tuần.
Theo đó, dự luật cho phép chương trình cho vay khẩn cấp chống Covid-19 của Fed dành cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương được hết hạn vào ngày 31/12. Đây là chương trình mà phe Cộng hòa cho là sự can thiệp không cần thiết của chính phủ vào khu vực doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, dự luật không cấm những chương trình tương tự được mở ra.
Đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất mà Tổng thống đắc cử Joe Biden, người dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, phải đối mặt. Tuy nhiên, những tia hy vọng đã lóe lên khi Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm phòng Covid-19 cho toàn dân.
Các số liệu gần đây cho thấy tình trạng nền kinh tế Mỹ đang xấu đi. Theo Cục Điều tra dân số Liên bang (Cencus Bureau), khoảng 7,8 triệu người Mỹ đã rơi vào cảnh nghèo kể từ tháng 6 năm nay, khi gói kích cầu cũ hết dần tác dụng. Trong 11 tháng đầu năm, tỷ lệ người nghèo ở Mỹ tăng 2,4 điểm phần trăm, cao gần gấp đôi mức tăng cả năm cao nhất kể từ thập niên 1960.
Doanh thu bán lẻ ở Mỹ trong tháng 11 sụt giảm và số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của JPMorgan Chase, ông Michael Feroli, nói rằng gói kích cầu "sẽ rất hữu ích cho nền kinh tế Mỹ". "900 tỷ USD là một con số lớn. Theo thời gian GDP sẽ tăng thêm 2-3% nhờ gói kích cầu này", ông Feroli nói.