Quốc hội Nhật có thể sắp phê chuẩn TPP 11
Gần như chắc chắn TPP 11 sẽ được Quốc hội Nhật phê chuẩn trước khi kỳ họp đang diễn ra kết thúc vào tháng tới
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 thành viên sau khi Mỹ rời đi vừa tiến thêm một bước tới chỗ được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn - tờ báo Nhật Nikkei cho hay.
Vào hôm thứ Sáu tuần trước, Hạ viện Nhật thông qua một đạo luật nhằm phê chuẩn TPP. Với đạo luật này, gần như chắc chắn TPP 11 sẽ được Quốc hội Nhật phê chuẩn trước khi kỳ họp đang diễn ra kết thúc vào tháng tới.
Khi quy trình phê chuẩn này hoàn tất, Nhật Bản sẽ trở thành thành viên thứ hai trong TPP 11 phê chuẩn thỏa thuận này, sau Mexico.
Thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 thành viên phê chuẩn. Sự phê chuẩn nhanh chóng của Nhật Bản sẽ thúc đẩy khả năng thỏa thuận này có hiệu lực trước cuối năm nay.
Nhật Bản hy vọng rằng việc nhanh chóng phê chuẩn TPP 11 sẽ là một cách hiệu quả để chống lại xu hưởng chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trong thương mại toàn cầu. "Chúng ta sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chúng ta đang giương cao ngọn ngờ tự do thương mại", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước các nghị sỹ nước này hôm thứ Năm tuần trước.
TPP 11 cũng sẽ giúp Nhật Bản chống lại sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có một thỏa thuận tự do thương mại song phương Mỹ-Nhật khi hai bên bắt đầu cuộc đàm phán về hương mại vào cuối tháng tới.
Ông Trump rút khỏi TPP sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, buộc 11 nước còn lại trong thỏa thuận phải điều chỉnh nội dung hiệp định.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất muốn tránh thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ vì lo ngại sẽ bị rơi vào một thỏa thuận mà họ sẽ chịu "lép vế" với Washington.
Hiện đang có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ muốn gia nhập TPP 11. Tháng trước, Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak nói nước này muốn vào TPP 11 "sớm nhất có thể". Hàn Quốc, Đài Loan, Columbia và Anh cũng bày tỏ mong muốn tham gia thỏa thuận.
Ngoài thúc đẩy TPP 11, Nhật Bản còn đang nỗ lực đẩy mạnh HIệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận gồm 16 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zeland, và 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đưa Mỹ quay trở lại TPP là một ưu tiên chính sách thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Có nhiều ý kiến cho rằng khi bị đứng ngoài cuộc và phải cạnh tranh trên một sân chơi không bình đẳng ở nhiều thị trường, Mỹ sẽ buộc phải trở lại với TPP.
Thời gian qua, Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ quan điểm muốn quay trở lại TPP, nhưng sau đó lại chỉ trích thỏa thuận này. Đến thời điểm hiện tại, không rõ lập trường của ông Trump đối với thỏa thuận này là như thế nào.