06:00 09/06/2024

Quốc hội sẽ xem xét cho phép 3 luật mới liên quan bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm hơn 5 tháng

Đỗ Phong

Quốc hội điều chỉnh tại đợt 2 của kỳ họp thứ 7, sẽ xem xét Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/8...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với đa số các đại biểu có mặt tán thành, chiều 8/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Việc điều chỉnh Chương trình lần này nhằm sớm triển khai thi hành các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, đưa các chính sách mới vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

ĐIỀU CHỈNH THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC CÁC LUẬT VỀ BẤT ĐỘNG SẢN VÀ LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Theo nghị quyết, Quốc hội quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo hướng bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng vào chương trình.

Những nội dung này dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Qua xem xét cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.

Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại đợt 2 của kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn như Chính phủ đề xuất.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 1/8/2024. Ban đầu 3 luật này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

KHÔNG TẠO KHOẢNG TRỐNG PHÁP LÝ KHI THI HÀNH SỚM CÁC LUẬT

Để bảo đảm chất lượng ban hành Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình chỉ đạo soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục.

Tiếp tục rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại 4 Luật này và các quy định tại các luật khác có liên quan chịu tác động của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng để có phương án xử lý phù hợp.

Cùng với đó chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật. Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Cũng theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024, các luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến gồm Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Điện lực (sửa đổi).

Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp với Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tại kỳ họp thứ 9 dự kiến vào tháng 5/2025 sẽ trình Quốc hội thông qua 12 luật và 1 nghị quyết, trong đó có Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...

Kỳ họp này sẽ cho ý kiến 10 dự án luật như: Luật Cấp, thoát nước; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)...

Tại kỳ họp thứ 10 dự kiến vào tháng 10/2025 có 10 luật dự kiến trình Quốc hội thông qua.