Quy hoạch tổng thể quốc gia phải do Quốc hội quyết
Chính phủ kiên trì giữ quy định Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng Uỷ ban Kinh tế có quan điểm khác
Chính phủ kiên trì quan điểm giữ nguyên quy định Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng Uỷ ban Kinh tế có quan điểm khác.
Sáng 9/11 dự án Luật Quy hoạch đã được Chính phủ trình Quốc hội, gồm 6 chương với 67 điều.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch.
Đồng thời, Luật Quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển. Luật quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Dự thảo luật được soạn thảo theo hướng điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch, Bộ trưởng Dũng báo cáo.
Tại tờ trình, Chính phủ đã giải trình một số ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có đề nghị xem xét thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ xin được bảo lưu quan điểm, vì quy hoạch tổng thể quốc gia là công cụ giúp Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành về điều phối, phân bổ nguồn lực của quốc gia một cách hiệu quả nhất trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường.
Mặt khác, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia ý kiến, phản biện của xã hội nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và tạo ra lợi ích cao nhất cho đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Vì vậy, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia vừa đảm bảo tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ khi quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội được quy định trong Luật tổ chức Chính phủ năm 2015.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch. Đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư.
Mặt khác, quy hoạch tổng thể quốc gia là công cụ để cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, làm minh bạch hóa các định hướng ưu tiên phát triển để doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tự quyết định đầu tư của mình.
Với sự quan trọng như vậy, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra cho rằng dự thảo luật cần quy định Chính phủ trình Quốc hội quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia.
Dù Chính phủ có giải trình như trên, song cơ quan thẩm tra lập luận, quy hoạch tổng thể quốc gia có tính chất vô cùng quan trọng đến kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề quan trọng của đất nước.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, theo hướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch theo nguyên tắc cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó có quyền điều chỉnh quy hoạch.
Ngay trong sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quy hoạch.