Răng khôn – xử trí như thế nào?
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 thường mọc ở trong xương hàm mỗi người. Răng khôn xuất hiện thường khiến bạn gặp rắc rối do dễ bị sâu, hay mọc lệch, nhiễm trùng gây đau đớn phải nhổ...
Rất nhiều người gặp rắc rối về răng số 8 song không phải ai cũng biết cách xử lý chiếc răng này. Một số không chịu nhổ vì sợ đau, nguy hiểm, sợ ảnh hưởng dây thần kinh. Nhiều người cố chịu đau nhức khi răng sâu, đến khi không chịu nổi mới chịu vào viện. Có người cho rằng nếu răng mọc xiên bị vướng răng khác thì sẽ tự đổi hướng để nhú lên. Theo các bác sĩ răng hàm mặt, răng khôn mọc sau cùng ở người trưởng thành trong độ tuổi 18-30. Khoảng cách giữa răng số 7 và cạnh trong cùng của xương hàm sẽ quyết định răng khôn mọc như thế nào. Nếu khu vực này còn chỗ, chiếc răng số 8 sẽ mọc thẳng bình thường và ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi khu vực hàm thiếu chỗ, răng sẽ không mọc hoặc mọc lệch dẫn đến nhiều biến chứng đau đớn. Răng khôn mọc mỗi người mỗi khác, thời gian mọc răng khôn từ lúc nhú lên đến hoàn chỉnh cũng không giống nhau - có thể kéo dài từ vài tuần, vài tháng đến vài năm. Khi răng khôn mọc, phần lợi quanh răng sẽ bị tấy đỏ và sưng lên, lúc này bạn sẽ cảm thấy rất đau khi đánh răng. Hiểu một cách đơn giản, răng mọc khiến phần nướu lợi bao quanh răng bị viêm, bạn sẽ cảm thấy đau nhức, hơi sốt nhẹ, phần sưng sẽ hơi nóng khi chạm tay vào. Nếu vết viêm lan rộng, bị áp xe lợi thì bạn có thể bị sưng to một bên mặt, chỗ sưng căng đỏ ở góc hàm khiến bạn không há được miệng và không ăn uống được.
Ở vị trí răng khác khi sưng viêm, bệnh nhân có thể há được miệng để bác sĩ khám nhưng do răng khôn mọc ở góc cạnh xương hàm nên khi sưng to, rất khó để có thể há miệng to được. Cùng với đó, hai hàm răng chạm vào nhau sẽ càng khiến cho người bệnh đau dữ dội.
Đây được cho là một trong những điểm đau khác biệt lớn nhất của răng khôn. Ngoài ra, khi bị áp xe lợi, điều đó có nghĩa là phần lợi viêm đã có mủ. Trong trường hợp này, người bệnh buộc phải tới thăm khám bác sĩ để trích mủ, tiêm kháng sinh, tránh tình trạng vùng viêm gây hại đến tủy răng và làm liên lụy đến răng bên cạnh. Một số trường hợp khi những bất thường của răng khôn không được chữa trị ngay nên gây nhiễm trùng lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ… Đặc biệt là ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian đau răng khôn của người bệnh kéo dài bao lâu là phụ thuộc vào việc họ đến khám bác sĩ vào giai đoạn nào. Bởi có những người khi lần đầu tiên đau mọc răng khôn chỉ đau âm ỉ 2 - 3 ngày rồi thôi nên không để tâm. Nhưng càng về sau, mức độ đau răng khôn sẽ càng tăng lên, thời gian cũng sẽ kéo dài thêm do độ viêm nhiễm nặng hơn... Do đó, khi mới có những triệu chứng đau răng khôn, người bệnh nên đến khám bác sĩ để có liệu pháp điều trị như uống thuốc kháng sinh, chống viêm... thì cơn đau sẽ nhanh khỏi và không để lại nhiều hệ lụy sau này. Không phải trường hợp nào mọc răng khôn cũng phải nhổ mà cần được bác sĩ chỉ định, tránh biến chứng có thể xảy ra. Răng khôn mọc lệch còn khiến răng bên cạnh bị sâu do thức ăn dắt ở các khu vực này. Lâu ngày thức ăn tích trữ này bị phân huỷ, vi khuẩn có điều kiện sinh sôi. Đó là điều kiện khiến bệnh nha chu phát triển, làm cho mô nâng đỡ răng bị tổn thương. Do đó lời khuyên của nha sĩ là cần đánh răng kỹ, làm sạch khu vực răng số 8 và nên dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng trong cùng. Khi có dấu hiệu đau răng khôn, cần đi khám để nha sĩ theo dõi, điều trị hoặc cần thiết sẽ quyết định nhổ. Với y học hiện đại, việc nhổ răng khôn sẽ không gây đau đớn và an toàn nhất cho bạn.