16:28 08/07/2016

Rau má quá tốt!

PV

Mỗi ngày, chúng ta phải nạp vào cơ thể rất nhiều chất độc hại thông qua đường ăn uống, tiếp xúc trực tiếp hoặc ngay cả hít thở. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta lại tìm kiếm những cách giải độc quá phức tạp và không đo đếm được hiệu quả mà quên đi rằng việc giải độc thường xuyên, thông qua thực phẩm, mới là an toàn và hiệu quả. Trong số này, TVTD tiếp tục giới thiệu đến bạn phương pháp thải độc thông qua những cây trái ngay trong vườn nhà.
  Từ xưa tới nay, rau má thường được dùng để làm món ăn hay thức uống giải khát, làm mát cơ thể, hạ sốt… Tuy nhiên, nhiều người không biết rau má có tính mát nên nó giúp giải độc gan vô cùng hiệu quả mà an toàn cho cơ thể.

Rau má quá tốt! - Ảnh 1

Vị thuốc cổ truyền
Nền y học cổ truyền Trung Quốc, Ấn Độ cũng như y học dân gian Việt Nam đều có truyền thống sử dụng rau má làm thuốc hoặc làm thức ăn từ lâu đời. Truyền thuyết Trung Quốc có nói đến một võ sư Thái cực quyền tên là Lý thanh Vân sống thọ đến 256 tuổi một phần là do ông thường dùng món rau má. Những huyền thoại này có lẽ đã bắt nguồn từ giá trị dưỡng âm, chống lão hoá và làm tăng cường hệ miển dịch của những hoạt chất có trong rau má. Trong Đông y hay Trung y, rau má thường được phối hợp với đậu đen hoặc mè đen chế thành cao hoàn để làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc người ốm mới dậy.
Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ Vị  có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu.  Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy. Theo y học hiện đại, rau má có thể sử dụng để chống lại sự lão hóa của da, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da. Vì vậy, có thể dùng chiết xuất của loại rau này trong những ứng dụng làm đẹp. Ngoài ra, rau má có thể dùng để chống loét dạ dày, kháng virus, kháng nấm, làm giảm sưng, giúp lưu thông máu trong cơ thể, dùng để điều trị rất tốt trong các bệnh giãn tĩnh mạch, suy tĩnh mạch...
Hiện nay, rau má còn được sử dụng rất đa dạng dưới hình thức thuốc tiêm, thuốc bột, thuốc mỡ để điều trị tất cả các chứng bệnh về da như vết bỏng, vết thương do chấn thương, do giải phẩu, cấy ghép da, những vết lở lâu lành, vết lở do ung thư, bệnh phong, vẩy nến…

Rau má quá tốt! - Ảnh 2

Liều thuốc giải độc gan
Một người có lá gan khỏe mạnh cũng đồng nghĩa với việc có một cơ thể khỏe mạnh bởi những đa số các chức năng quan trọng trong cơ thể đều do gan nắm giữ. Vì thế lá gan cũng là đối tượng thường xuyên chịu nhiều tổn hại do nhiều loại bệnh, trong đó phổ biến có bệnh nóng gan, bệnh để kéo dài sẽ gây ra những tổn hại không tốt cho gan và cơ thể.
Nóng gan sẽ gây nóng trong người: biểu hiện thường thấy là bề mặt da trở nên khô rám, môi khô, đi tiểu ít,… nguyên nhân chính là do gan bị nóng qua thời gian dài sẽ khiến các chức năng gan bị suy giảm dẫn tới việc loại bỏ các độc tố của gan bị kém đi khiến các độc tố vẫn còn tồn dư trong cơ thể gây tổn hại đến các cơ quan khác điển hình là làn da. Khi các độc tố không được gan loại bỏ hoàn toàn do bị suy giảm chức năng gan thì những độc tố này sẽ gây kích ứng da khiến các bệnh về da như mụn, mẩn ngứa… xuất hiện.  Chức năng gan yếu không thực hiện được chức năng giải độc làm độc tố được giữ lại bên trong cơ thể gây nóng gan từ bên trong. Thêm vào đó là việc hàng ngày  cơ thể tiếp xúc với rất nhiều yếu tố có độc tích lũy lại trong gan như: rượu bia, thuốc lá, hóa chất, thuốc tây, chế độ ăn uống không hợp lý, thời tiết môi trường đều có thể gây nên bệnh nóng gan. Vì vậy việc sử dụng các loại thực phẩm mát gan giải độc sẽ giúp thanh lọc gan tốt. Rau má có tính mát nên nó giúp giải độc gan vô cùng hiệu quả mà an toàn cho cơ thể. Rau má được sử dụng trong việc chữa bệnh viêm gan mãn: da vàng sạm, lòng bàn tay nóng, đau thường xuyên vùng hạ sườn… Vì vậy uống nước rau má rất tốt cho cơ thể chúng ta. Với những người bị nóng gan, gan tổn thương do dùng nhiều bia rượu có thể dùng bài thuốc kết hợp rau má và râu ngô sắc nước uống sẽ rất tốt.

Rau má quá tốt! - Ảnh 3

Vẫn nên thận trọng khi sử dụng
Rau má quả thực có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu không sử dụng đúng hoặc quá lạm dụng cũng đem lại những hậu quả không tốt cho sức khỏe.
- Ảnh hưởng đến tiêu hóa: Rau má có tính hàn, có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy nhẹ. Rau má thường được uống sống nên quá trình chế biến nếu không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa cho người dùng. - Giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sảy thai: Phụ nữ nếu dùng rau má lâu ngày có thể làm giảm khả năng mang thai. Loại rau này cũng gây nguy cơ sảy thai nếu sử dụng trong thai kì. Vì thế, phụ nữ đang trong thời kỳ sinh nở và phụ nữ có thai không nên dùng nhiều loại rau này. - Làm tăng cholesterol và lượng đường trong máu: Rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều. Không chỉ vậy, đối với người đang có 2 bệnh trên, dùng rau má cùng với uống thuốc điều trị có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol. Lượng dùng cho một ngày của một người bình thường được các nhà khoa học khuyên dùng là 1 cốc nước rau má, tương đương 40g rau má trở xuống. Tuy nhiên, không nên dùng liên tục quá 1 tháng. Nếu muốn tiếp tục dùng thì nghỉ tối thiểu nửa tháng rồi mới dùng lại.

Rau má quá tốt! - Ảnh 4

GIẢI ĐỘC GAN BẰNG NƯỚC RAU MÁ
Nguyên liệu: Rau má 200g. Nhân trần 100g. Lá đinh lăng 200g. Cam thảo 100g. Cách làm: Nguyên liệu trên nên chọn dạng khô, trộn đều lại, xay mịn và bảo quản trong bao kín gió, có thể đặt gói hút ẩm. Mỗi ngày dùng 30g đem pha nước sôi như pha trà để dành uống trong ngày. Bạn có thể trị chứng nóng gan cực hiệu quả với nước rau má này.
Hoặc bạn có thể dùng 30 - 40g rau má tươi, 6 - 12g rau má khô xay nhuyễn hoặc giã nát lấy nước uống thay nước uống hàng ngày. Công dụng: giúp thanh nhiệt, giảm mụn nhọt, rôm sảy, chữa bệnh viêm gan hoàng đản…
Với những người bị nóng gan, gan tổn thương do dùng nhiều bia rượu có thể dùng bài thuốc kết hợp rau má và râu ngô sắc nước uống: mỗi ngày, bạn dùng khoảng 50g rau má (rửa sạch cả cây bao gồm rễ và lá), 20g râu ngô, sắc với 1.000 ml nước sau đó cô lại còn 30 ml, chia đều uống 2 lần/ ngày. Uống liên tục trong 30 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Rau má chữa viêm gan virus: Lấy 150g rau má tươi nấu với 500 ml nước, đun đến khi còn lại 250 ml, pha thêm một chút đường phèn. Chia đều uống 3 lần/ ngày khi đói bụng đem lại hiệu quả rất tốt.
 
Nước giải khát mùa hè
– Nước ép rau má: Lá rau má mua về ngâm rửa thật sạch, giã hoặc xay nát. Cho thêm một ít nước vào. Vắt và lọc bỏ xác. Thêm vào một ít đường cho dễ uống. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 đến 40g rau má tươi.
– Trà giải nhiệt: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g. Các dược liệu đều ở dạng khô. Cách dùng: các vị thuốc sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 – 40g. Hãm với nước sôi, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày có công dụng thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.
 
Một số thang thuốc có rau má
-    Thuốc hạ huyết áp: Rau má 16g, rễ kiến cò 12g, lá tre l2g, rễ nhàu 16g, rễ tranh 12g, rễ cỏ xước 12g, lá dâu 12g. Sắc uống thay trà hàng ngày.
-    Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Dùng 50g rau má rửa sạch giã vắt lấy nước, thêm ít đường hoặc một ít muối cho dễ uống.
-    Đái rắt, đái buốt: Rau má 40g, nõn tre 40g để tươi, giã nát với vài hạt muối, gạn lấy nước uống.
-    Hạ sốt: Lấy 30g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước, rồi hoà 10g bột sắn dây, thêm đường uống.
-    Chữa ho, viêm họng: Rau má rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt đặc, hoà thêm với đường cho dễ uống. Trẻ em ngày hai lần, mỗi lần ½ bát ăn cơm; người lớn uống ngày hai lần, mỗi lần một bát ăn cơm. Uống liên tục 5 đến 7 ngày.
-    Chữa mụn nhọt: Rau má và lá gấc mỗi thứ 50g rửa thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại, ngày thay thuốc 2 lần, đắp cho đến khi khỏi.


Hoài Phương