09:16 08/06/2009

Rộng cửa cho hàng Việt vào Australia và New Zealand

Ái Vân

Đến năm 2018, các nước ASEAN, Australia và New Zealand sẽ xóa bỏ thuế quan cho ít nhất 90 dòng thuế

Khi hiệp định có hiệu lực, Australia cam kết xóa bỏ thuế quan xuống 0% đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất vào thị trường này.
Khi hiệp định có hiệu lực, Australia cam kết xóa bỏ thuế quan xuống 0% đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất vào thị trường này.
Khi Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực, hoạt động thương mại giữa các quốc gia trong khối sẽ được mở rộng hơn hiện tại.

Theo cam kết, đến năm 2018, các nước ASEAN, Australia và New Zealand sẽ xóa bỏ thuế quan cho ít nhất 90 dòng thuế và mở cửa cho các hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ và đầu tư cho các bên tham gia.

AANZFTA sẽ tạo ra một khối thương mại với tổng dân số trên 600 triệu người và GDP ước tính khoảng 2,7 ngàn tỷ USD/năm. Hiệp định bao gồm các cam kết về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, hải quan, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân và hợp tác kinh tế, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2010.

Đây là những thông tin mà Tổng lãnh sự Australia và Tổng lãnh sự New Zealand tại Tp.HCM cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trao đổi ngày 5/6.

Ông Tony Burchill, Cao ủy Thương mại Australia cho biết AANZFTA được kí kết ngày 27/2/2009 tại Thái Lan. Đây là một thỏa thuận khu vực toàn diện nhất giữa Australia và New Zealand với các đối tác bên ngoài là ASEAN. Đây là hiệp định đầu tiên Australia kí kết kể từ lúc nền kinh tế thế giới lâm vào cảnh khủng khoảng. Là hiệp định đa phương nên mức độ phức tạp của các quy định tương đối rắc rối.

“Phải thông qua 16 cuộc họp kéo dài trong 5 năm mới đi đến kết quả hiệp định. Tuy nhiên, hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với các quốc gia tham gia, vì vậy chúng tôi rất tin tưởng các nước sẽ sớm thông qua hiệp định này”, ông Tony Burchill nhấn mạnh.

Hiện nay, AANZFTA đang trong giai đoạn chờ các quốc gia tham gia hiệp định phê chuẩn. Bà Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc VCCI tại Tp.HCM cho biết phía Việt Nam cũng đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để tham gia hiệp định.

90% dòng thuế sẽ được cắt giảm

Các bên tham gia hiệp định này sẽ hợp tác để thiết lập cơ chế phi thuế quan về cơ chế cấp phép, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các nước sẽ không lập hàng rào thương mại trong khu vực.

AANZFTA có các cam kết mở cửa thị trường khác nhau cho từng nước trong 10 quốc gia trong khối ASEAN, để phù hợp từng điều kiện của từng nước, đặc biệt là những thành viên mới của ASEAN gồm Việt Nam và 3 nước chậm phát triển là Myanmar, Campuchia và Lào.

Việc cắt giảm thuế quan sẽ được cắt giảm lũy tiến. Khi hiệp định có hiệu lực, Australia cam kết xóa bỏ thuế quan xuống 0% đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất vào thị trường này. Việt Nam sẽ áp thuế 0% đối với động vật giống và 5% đối với các loại động vật sống nhập từ Australia về, việc cắt giảm thực hiện dần và đến 2016 để về mức thuế 0%.

Việt Nam cũng phải cam kết xóa bỏ phần lớn các dòng thuế quan dành cho hàng hóa Australia, mức cắt giảm là 5% từ 2010 đối với nhiều chủng loại như trái cây và nước trái cây.

Australia cam kết bãi bỏ thuế cho mặt hàng cá và sản phẩm cá của Việt Nam; còn Việt Nam sẽ cắt giảm 125 dòng thuế 0% và 40 dòng thuế là 5% cho hàng sản phẩm cá của Australia.

Đối với các sản phẩm sữa, Việt Nam sẽ cắt giảm dần thuế nhập khẩu cho các mặt hàng sữa, sữa bột, bơ, phomát, bột sữa gầy và sữa chua trong năm 2017- 2018 sẽ bãi bỏ thuế, đến 2020 các mặt hàng sữa của Australia sẽ có mức thuế nhập khẩu là 0%.

Các sản phẩm lúa mì, mạch nha, lúa mạch và yến mạnh của Australia nhập vào Việt Nam sẽ có mức thuế giảm dần cho đến 2016 sẽ xuống còn 0%. Những sản phẩm đang chịu mức thuế 5-50% sẽ được Việt Nam cắt giảm xuống mức 0% vào năm 2018 và 2019.

Đến 2022, rượu vang và rượu mạnh của Australia nhập vào Việt Nam được cam kết sẽ giảm 1 lần 9 dòng thuế xuống còn 20% và 2 dòng thuế rượu mạnh là 40%, và rượu vodka sẽ cắt giảm còn 5% vào năm 2020.

Australia sẽ loại bỏ thuế quan đối với tất cả các dòng thuế các mặt hàng dược phẩm, giày dép, giấy và bột giấy từ năm 2010. Còn thời gian Việt Nam áp dụng trong khoảng từ 2018 - 2020. Tuy nhiên, riêng sản phẩm dệt may và các sản phẩm từ dệt may đến 2020 Australia mới loại bỏ thuế quan.

Tranh thủ khai thác cơ hội

Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng thương mại giữa Australia - Việt Nam ở mức 22%/năm.

Năm 2008 kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước đạt khoảng 5,6 tỷ USD. Giao thương giữa Việt Nam - New Zealand còn khá thấp với 300 triệu USD. Nhìn chung tỉ lệ giá trị xuất khẩu vào hai thị trường này có tăng trưởng nhưng được nhận định là vẫn chưa xứng với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong quan hệ đầu tư, đến nay, Australia và New Zealand đang có 190 dự án với tổng vốn khoảng trên 1 tỷ USD đã đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát, có thể thấy hình ảnh và tên tuổi của các nhà xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Australia và New Zealand vẫn còn khá trầm lắng, gần như nhà nhập khẩu ở nước này rất xa lạ với hàng hóa Việt.

Theo nghiên cứu của Thương vụ Việt Nam tại Australia, người tiêu dùng Australia khá bảo thủ và rất hiểu biết về vấn đề “giá cả tương xứng với giá trị”, họ cũng đánh giá cao hàng hóa sản xuất tại nội địa.

Dù vậy, người tiêu dùng lại rất cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ, chỉ quan tâm tới yếu tố như chất lượng, kiểu dáng và giá cả. Cách nhìn thoáng của người tiêu dùng sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Điều cấp thiết hiện nay là làm sao mang thông tin và tạo cầu nối cho doanh nghiệp với thị trường, nhằm giúp doanh nghiệp khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu Việt Nam không tận dụng tốt cơ hội thì AANZFTA sẽ chỉ có lợi cho nhà xuất khẩu Australia và New Zealand.

Australia là thị trường ít dân nên yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa rất cao. Do đó, khá nhiều nhà bán lẻ ở Australia kinh doanh theo chính sách hoàn trả lại tiền hoặc đổi hàng nếu hàng hóa có vấn đề về chất lượng hoặc nếu người mua thay đổi ý định mua hàng.

Vì vậy, nhà nhập khẩu Australia không chấp nhận những sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng của họ. Đồng thời, họ giữ mối quan hệ lâu dài với các đối tác quen thuộc để đảm bảo việc kinh doanh được liên tục.

Đặc biệt các nhà nhập khẩu nước này không thích mặc cả. Họ sẵn sàng thương thảo một mức giá hợp lý nhưng không mặc cả để có mức giá giảm từ 20% trở lên. Nếu nhà cung cấp đưa ra mức giá không thực tế, nhà nhập khẩu Australia thường sẽ không xem xét đến đơn chào hàng.

Vì vậy, khi báo giá cho nhà nhập khẩu Australia, điều quan trọng nhất là đưa ra mức giá hợp lý nhất và thường phải thấp hơn mức giá chào cho người mua hàng tại Mỹ và châu Âu với tỷ lệ mặc cả không quá 3% đến 5%.