16:54 29/09/2014

“Rút ruột quốc gia phải xử mức án cao nhất”

Nguyễn Lê

Đại biểu Quốc hội “truy” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.
Vi phạm trong khai thác khoáng sản là hành vi rút ruột quốc gia, có sự thông đồng tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền cấp phép hay không? Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang như vậy, sáng 29/9.

Nhiều vị đại biểu khác cũng kiên trì “truy” Bộ trưởng về vô số các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, đất đai. Song hầu hết các câu trả lời của Bộ trưởng đều không cụ thể.

Bức xúc vì hậu quả của các vi phạm trong khai thác khoáng sản là rất nặng nề nhưng hầu hết chỉ xử lý kiểm điểm, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng xử lý như vậy là quá nhẹ. Bởi đó là hành vi rút ruột quốc gia, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân, hủy hoại nghiêm trọng môi trường.

Tuy nhiên, không dễ gì để có được giấy phép khai thác khoáng sản, bởi vậy đại biểu Đương hỏi Bộ trưởng là có sự tiếp tay thông đồng của cán bộ có thẩm quyền cấp giấy phép cho cát tặc, vàng tặc, lâm tặc hay không?

“Ăn gần hết tài sản quốc gia mà cứ kiểm điểm, tới đây phải có quy định xử lý hình sự phải cao nhất đến chung thân, tử hình”, ông Đương nêu quan điểm.

Đồng tình là cần có quy định xử lý nặng hơn, nhưng phải theo quy định của pháp luật, song ở câu trả lời của Bộ trưởng không có thông tin về tiếp tay hay không.

Cũng liên quan đến khoáng sản, đại biểu Danh Út nhắc lại là tháng 8/2013, ông đã chất vấn về 957 giấy phép khai thác khoáng sản vi phạm luật và Bộ trưởng hứa sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý một số cơ quan và 24 tỉnh, vậy kết quả thế nào?

Ở câu trả lời, ông Quang cho biết còn hai tỉnh Phú Yên và Tây Ninh khắc phục chưa triệt để.

Ông cũng nhắn nhủ, nếu hai địa phương này không khắc phục thì Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để có biện pháp. Tương tự, tỉnh Điện Biên cũng còn một dự án cấp không đúng thẩm quyền nhưng chưa kiên quyết thu hồi. Và Bộ sẽ buộc phải báo cáo Thủ tướng.

Đại biểu Trương Thị Huệ chất vấn cụ thể hơn, rằng trong số đã xử lý thì hình thức khiển trách trở lên là bao nhiêu và vi phạm ở cấp bộ, ngành đã kiểm điểm chưa?

Bộ trưởng xin “khất nợ” vì vừa qua đã yêu cầu các địa phương báo cáo về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức nhưng họ chưa báo cáo.

Vẫn liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, đại biểu Bùi Nguyên Súy hỏi có tiêu cực cấp phép từ Bộ hay không?

Từ 2012 đến nay Bộ đã cấp 109 giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản đều được phép của Thủ tướng chứ không tự ý cấp được, Bộ trưởng trả lời.

Chung sốt ruột về xử lý trách nhiệm, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng thông tin về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai theo báo cáo của Bộ là không rõ. Hơn 8.000 tổ chức để thất thoát lãng phí đất đã xử lý được ai và xử lý thế nào? đại biểu Minh chất vấn.

Dẫn lại con số từ báo cáo, ông Quang cho biết đã xử lý 5.182/8.909 tổ chức (đạt 62,60%) với diện tích đất 114.177/137.651 ha (đạt 82,90%).

Quá trình thực thi công vụ thì các địa phương trực tiếp quản lý, có nhiều vụ việc chúng tôi nắm được còn có nhiều cái phải chờ địa phương báo cáo, Bộ trưởng phân trần.

Về câu hỏi thu hẹp diện tích dự án khu đô thị thương mại - du lịch ở Văn Giang (Hưng Yên) của đại biểu Bùi Nguyên Súy, Bộ trưởng cho biết Bộ đã đề nghị thu hẹp diện tích nhưng Thủ tướng không đồng ý nên vẫn tiếp tục triển khai.

Bộ đã đối thoại với nhân dân vùng dự án, chủ đầu tư đã có một số xử lý, đến nay tình hình đỡ căng thẳng hơn, Bộ trưởng cho biết.