09:32 28/08/2008

Sàn giao dịch vàng: Nên quy định ngặt hơn về mặt “kỹ thuật”

Thúy Nhung

Cũng giống như thị trường chứng khoán khi mới xây dựng, các sàn giao dịch vàng hiện nay đã bộc lộ khá nhiều vấn đề

Ở góc độ quản lý nhà nước, thông qua các sàn giao dịch, các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng kiểm soát được khối lượng vàng giao dịch cũng như các giao dịch tiền tệ dưới dạng vàng - Ảnh: TP.
Ở góc độ quản lý nhà nước, thông qua các sàn giao dịch, các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng kiểm soát được khối lượng vàng giao dịch cũng như các giao dịch tiền tệ dưới dạng vàng - Ảnh: TP.
Cũng giống như thị trường chứng khoán khi mới xây dựng, các sàn giao dịch vàng hiện nay đã bộc lộ khá nhiều vấn đề.

Với quan điểm trên, TS. Đào Văn Hùng, Phó trưởng khoa Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cơ quan quản lý cần sớm có sự điều chỉnh để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư vàng.

So với cách mua bán, trao đổi truyền thống, sàn giao dịch vàng rõ ràng có những ưu điểm hơn hẳn. Ông đánh giá sao về ý kiến này?

Khi muốn thành lập sàn giao dịch vàng, các đơn vị kinh doanh đều phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định về vốn tối thiểu, nhân sự, hạ tầng kỹ thuật, vì vậy hoạt động sẽ chuyên nghiệp hơn so với cách giao dịch truyền thống.

Các nhà đầu tư cũng được tiếp cận với những thông tin minh bạch hơn và đặc biệt là có thể giao dịch vàng với khối lượng lớn. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được hỗ trợ tài chính từ các đơn vị lập sàn giao dịch. Đây là những lợi ích rất rõ nét đối với các nhà đầu tư.

Ở góc độ quản lý nhà nước, thông qua các sàn giao dịch, các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng kiểm soát được khối lượng vàng giao dịch cũng như các giao dịch tiền tệ dưới dạng vàng.

Theo ông, hiện các sàn giao dịch vàng còn những mặt hạn chế gì trong hoạt động và đâu là hướng khắc phục?

Cũng như thị trường chứng khoán trước đây, nhiều nhà người tham gia đầu tư nhưng thực sự chưa được trang bị những kiến thức nhất định. Vì vậy, để hỗ trợ nhà đầu tư, các sàn cần có những dịch vụ cung cấp thông tin, đào tạo cho nhà đầu tư để giúp họ trở nên chuyên nghiệp hơn.

Tiếp đến, hạ tầng kỹ thuật của các sàn giao dịch vẫn để xảy ra những sự cố. Điều này đã làm tổn hại không nhỏ tới lợi ích của nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa để giảm thiểu những rủi ro này.

Ngoài ra, việc có quá nhiều những sàn giao dịch nhỏ cũng sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Trên thực tế, chỉ có những sàn giao dịch đủ lớn mới có khả năng chống đỡ lại với những rủi ro.

Bên cạnh đó, mặt bằng diện tích giao dịch còn nhỏ hẹp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với nhu cầu cũng là những vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động của các sàn giao dịch vàng.

Về việc cấp phép thành lập đối với các sàn giao dịch vàng, quan điểm của ông thế nào?

Giao dịch vàng là nhu cầu và là lựa chọn của nhà đầu tư. Đây cũng là nhu cầu của nền kinh tế. Không cho phép thành lập các sàn giao dịch, các cửa hàng nhỏ lẻ sẽ tiếp tục phát triển.

Giao dịch vàng tuy không có ý nghĩa về thu hút vốn cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô phát triển. Nhưng nói nó không có ý nghĩa gì cũng không đúng, vì trong tình trạng lạm phát, kinh tế bất ổn, giao dịch vàng đã đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân.

Theo tôi, cơ quan quản lý không nên hạn chế mà cần có những quy định ngặt hơn về mặt “kỹ thuật”. Những đơn vị đủ điều kiện đáp ứng sẽ được phép hoạt động. Khi ấy, chắc chắn số lượng các sàn vàng sẽ ít hơn nhưng chất lượng sẽ có sự thay đổi.

Giao dịch vàng rủi ro rất lớn nhưng hiện nay các ngân hàng, cụ thể là những ngân hàng có sàn giao dịch vàng dường như rất “tạo điều kiện” cho các nhà đầu tư vay vốn. Ông có lo ngại về điều này?

Thực sự, điều làm tôi lo nhất, chính là sự quá ham mê của nhà đầu tư.

Đối với các ngân hàng, ngoài việc phải rất chú trọng tới vấn đề quản lý rủi ro, họ còn chịu sự quản lý của ngân hàng Nhà nước nên đây cũng không phải là vấn đề đáng ngại.

Thời gian qua, do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, đóng băng của bất động sản, lạm phát cao, giá vàng trên thế giới có nhiều biến động đã làm cho thị trường vàng phát triển quá nóng. Nhiều nhà đầu tư đã tham gia thị trường như những con thiêu thân.

Nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục lao vào “cuộc chơi mạo hiểm” này chắc chắn những hệ lụy kéo theo sẽ không nhỏ.

Hiện nay, do chưa có những quy định cụ thể nên số lượng vàng trong một lần giao dịch tại mỗi sàn là khác nhau. Theo ông, có nên có những quy định về số lượng trong một lần giao dịch cũng như biên độ giao dịch đối với vàng?
 
Thị trường chứng khoán ở Việt Nam quy định được biên độ là do nguồn hàng ở trong nước. Nhưng đối với vàng lại là điều rất khó vì biến động giá đều phụ thuộc vào giá vàng thế giới.

Do vậy, cơ quan quản lý chỉ cần ban hành các quy định chung. Đáp ứng được tới đâu, các sàn giao dịch sẽ được thực hiện ở mức giao dịch đó.

Do chênh lệch múi giờ nên thời điểm giá vàng biến động nhiều nhất, các sàn giao dịch tại Việt Nam lại đóng cửa, các nhà đầu tư không thể thay đổi được các quyết định của mình. Giải pháp nào có thể khắc phục vấn đề này?

Với các sàn giao dịch hiện đại, khớp lệnh tự động hoàn toàn có thể cho phép giao dịch vào ban đêm. Tuy nhiên, đây cũng là là bất cập chung, vì không thể có những giao dịch 24/24h.

Ngay cả các nước trong khu vực, với những sàn vàng rất lớn như Thượng Hải cũng không thể khắc phục được điều này. Tuy nhiên, điều này không  tạo ra lợi thế cho một nhóm nào, nên các cơ quan quản lý không cần phải can thiệp.