16:13 24/03/2023

Sắp ban hành quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu

Thu Hằng

Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thành dự thảo thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để chuẩn bị báo cáo Chính phủ trước khi ban hành, dự kiến trong tháng 4/2023…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được ban hành đã quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có tình trạng các cơ sở y tế thực hiện giá khám chữa bệnh theo yêu cầu khác nhau.

Trao đổi về vấn đề này tại cuộc họp báo cung cấp thông tin y tế sáng 24/3, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, thực tế việc khám chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế là hoạt động đã diễn ra từ lâu, đây là chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế nói chung, đã được xác định trong nhiều văn kiện, tài liệu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng xác định đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động này, giao Bộ Y tế xây dựng phương pháp định giá cho các cơ sở tự quyết định.

Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở thực hiện giá khám chữa bệnh theo yêu cầu khác nhau tùy từng nơi. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và xây dựng thông tư quy định các mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Theo ông Sơn, năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành thông tư về quy định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như tình hình kinh tế - xã hội rất phức tạp, khó khăn, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng, chưa thực hiện thông tư này, do lo ngại ảnh hưởng tác động đến CPI và khả năng chi trả của người dân.

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng lại thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Đến nay, Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thành dự thảo thông tư, lấy ý kiến các Bộ, ngành và chuẩn bị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành. Tuy thẩm quyền ban hành thông tư là của Bộ Y tế, nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ đây là thông tư rất quan trọng nên trước khi Bộ Y tế ban hành phải xin ý kiến Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng trong tháng 4 tới có thể ban hành thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu cho các cơ sở y tế”, ông Sơn thông tin.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế trao đổi với báo chí. 
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế trao đổi với báo chí. 

Dự kiến, trong nội dung của thông tư này vẫn khẳng định, việc khám chữa bệnh do các cơ sở y tế công lập cung cấp, vẫn phải đảm bảo quy định theo các định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành cho tất cả các bệnh nhân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế, cũng như khám chữa bệnh theo yêu cầu.

“Thông tư chỉ xây dựng thêm các dịch vụ phát sinh ngoài định mức kinh tế kỹ thuật theo yêu cầu của người bệnh, hoặc các hoạt động dịch vụ, xã hội hóa, liên doanh liên kết do các cơ sở y tế tự đầu tư”, ông Sơn nói thêm.

Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cũng thông tin thêm, trước đây tại một số cuộc họp về sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cũng đã có ý kiến cho rằng giá khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu không cần khống chế mức trần, bởi hiện nay phụ thuộc vào cơ chế thị trường. Việc xây dựng thông tư này ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, đặc biệt những người có thu nhập, song không vì những nhóm này mà “thả” ra không quản lý, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải kiểm tra.

“Chúng tôi hy vọng thông tư được ban hành sẽ làm thỏa đáng yêu cầu cho những người có khả năng chi trả cao. Song song đó, giá dịch vụ y tế liên quan trực tiếp đến CPI, vì vậy Chính phủ rất thận trọng trong việc điều chỉnh. Do đó, dù rất nhiều lần Bộ Y tế muốn ban hành quy định điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng vì ảnh hưởng đến rổ hàng hóa CPI nên phải dừng lại”, ông Đức nói.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, trong đó bảo đảm có đầy đủ các văn bản hướng dẫn ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả, trong đó ưu tiên xây dựng các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật tạo bước đột phá về thể chế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Các nội dung này bao gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật; Nghị định quy định tự chủ, xã hội hóa, giá dịch vụ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng xây dựng Thông tư quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ khác….

Qua đó để tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua.